Sáng 31/10, Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết Bệnh viện Quân y 103 (thuộc Học viện Quân y) đã thực hiện thành công hai ca ghép ruột đầu tiên của Việt Nam.
Đặc biệt, đây là ca ghép ruột từ người cho sống.
Hai trường hợp vừa được ghép ruột là bệnh nhân L.V.T 26 tuổi và bệnh nhân N.V.D 42 tuổi. Trong đó một ca đã cắt hoàn toàn ruột non và một ca tắc ruột.
Ngày 27 và 28/10 vừa qua, Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với chuyên gia từ BV Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân T. và bệnh nhân D. Người hiến ruột cho bệnh nhân T. là mẹ đẻ của bệnh nhân này.
Sau mổ, đến nay 2 bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định. Ruột mới ghép đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn khá tốt. Hai bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Với thành công này Việt Nam đã trở thành một trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.
Được biết, kỹ thuật ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng. Trên thế giới, ghép ruột được thực hiện từ những năm 60 nhưng đến năm 1988 mới ghép thành công.
Ghép tạng khác ghép mô, ghép tạng là để cứu sống người, ghép mô là để cải thiện chất lượng sống như ghép giác mạc, ghép da, ghép buồng trứng.
6 tạng có thể ghép là tim, gan, phổi, thận, tụy và ruột. 5 tạng trước Học viện quân y đều là cơ sở ghép đầu tiên.
Một bác sỹ tham gia ca ghép ruột cho biết, ghép ruột rất khó vì đây là tạng lớn với 2m ruột, mạc treo và nhiều hạch bạch huyết. Nguy cơ thải ghép và nhiễm trùng cao. Nếu ghép thành công thì bệnh nhân sẽ ăn uống qua đường miệng bình thường và hồi phục sức khỏe, nếu không ghép được sẽ tử vong.
Những người cần ghép ruột là những trường hợp teo ruột bẩm sinh hoặc rối loạn chức năng ruột, chấn thương vết thương, xoắn ruột hoại tử… hoặc những bệnh nhân còn ruột nhưng suy chức năng ruột không có cơ hội hồi phục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận