Âm nhạc

Làn sóng kiện cáo đạo nhạc xâm chiếm thế giới: Trông người lại ngẫm đến ta

11/05/2023, 19:05
image

Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang đối mặt với làn sóng kiện cáo bản quyền chưa từng có. Tại Việt Nam, đây cũng đang là vấn đề nhức nhối.

Rộ làn sóng kiện cáo đạo nhạc từ châu Âu sang châu Á

Theo CNN, ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang đối mặt với làn sóng kiện tụng bản quyền chưa từng có.

Từ những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới như Ed Sheeran, Taylor Swift, Adele, Shakira… đến những nhóm nhạc trẻ của Hàn Quốc như Billlie, Fifty Fifty… đều bị tố đạo nhạc.

img

"Em gái quốc dân" IU bị tố đạo nhạc liên tiếp 6 ca khúc

Mới đây nhất, thông tin "em gái quốc dân" IU bị một người ẩn danh đệ đơn kiện, tố cô đạo nhạc trong 6 ca khúc làm nên tên tuổi gồm: "Good day", "The Red Shoes", "Pitiful", "Boo", "BBIBBI" và "Celebrity" khiến dư luận dậy sóng.

Ngày 10/5, phía công ty chủ quản đã lên tiếng nhằm dập tan những cáo buộc này. Phía công ty cho rằng đây là tin đồn sai lệch và làm ảnh hưởng tới danh tiếng của nữ ca sĩ.

"Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi xác nhận rằng các bài đăng ác ý đã xuất hiện rất nhiều trên các trang trực tuyến từ vài tháng trước. Hiện công ty vẫn chưa nhận được thông báo từ phía cảnh sát. Những nội dung mà báo chí truyền thông đưa tin vẫn chưa được xác minh và chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu", thông báo từ phía IU khẳng định.

Công ty chủ quản của IU cho biết thêm, ê-kíp sẽ có những hành động pháp lý mạnh mẽ đối với mọi tin đồn ác ý nhằm tổn hại đến tinh thần cũng như thanh danh của nghệ sĩ.

img

Ed Sheeran cười rạng rỡ sau bản hit "Thinking Out Loud" được tuyên bố không vi phạm bản quyền sáng tác. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Ed Sheeran cũng vừa kết thúc 6 năm kiện tụng, sau khi chứng minh được các bản hit “Thinking Out Loud”, “The Photograph”, “Shape Of You” đều là sức sáng tạo và thành quả lao động của mình.

Ngày 5/5, anh được tuyên bố thắng kiện, không phải bồi thường hàng triệu USD như các “bị hại” yêu cầu nhưng anh cũng thừa nhận những thiệt hại mà vụ kiện gây ra cho bản thân.

“Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi đã cống hiến cả cuộc đời mình để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn và một nhạc sĩ nhưng lại bị ai đó hạ thấp”, Daily Mail trích lời của Ed Sheeran. Nam ca sĩ cũng lo ngại nếu các vụ kiện bản quyền vô cớ cứ liên tục xảy ra thì điều này “thực sự gây tổn hại cho ngành sáng tác”.

Làm lại ca khúc là việc phổ biến trong quá trình tạo ra bài hát. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa việc sao chép tốt (hợp pháp, có bản quyền, xin phép) và đạo nhạc bất hợp pháp, không biết xấu hổ.

Nhạc sĩ Jeff Peretz nói trên Vulture

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng có thể chứng minh được sự trong sạch cho mình. Còn nhớ, năm 2018, tòa án tuyên bố bộ đôi Robin Thicke và Pharrell Williams đã đạo ca khúc "Got to give it up" của Marvin Gaye cho ra bài hát đình đám năm 2013 là "Blurred Lines".

Cả hai phải bồi thường cho những người thừa kế của cố nhạc sĩ Marvin Gaye 5,3 triệu USD. Truyền thông Hollywood nhận định, vụ việc không chỉ làm chấn động ngành công nghiệp âm nhạc mà còn gây ra một loạt tranh cãi, tạo tiền đề cho các vụ kiện khác liên tiếp diễn ra.

Rõ ràng không phải vụ kiện cáo đạo nhạc nào cũng mang giá trị tích cực, nhưng đó là tín hiệu tốt cho thấy người làm nhạc đã dành sự quan tâm lớn đến việc bảo vệ quyền lợi cá nhân.

Trông người mà nghĩ đến ta

Câu chuyện đạo nhái trong làng nhạc Vpop dường như trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", kéo dài nhiều năm qua.

Trong đó, Sơn Tùng M-TP là nghệ sĩ vướng scandal đạo nhạc kỷ lục, trong 10 năm làm nhạc, có tới 13 lần sản phẩm của anh bị dính lùm xùm đạo nhạc.

img

Ca khúc mới "Making My Way" của Sơn Tùng M-TP bị nhận xét có phần đầu giống "Unforgettable" của French Montana và Swae Lee

Mới đây nhất, ca khúc "Making My Way" (ra mắt ngày 9/5) của Sơn Tùng M-TP khiến khán giả liên tưởng đến bản hit tỷ view "Unforgettable" của French Montana và Swae Lee. Bài hát này ra mắt vào năm 2017, hiện có hơn 1,5 tỷ lượt xem MV trên YouTube.

Một ý kiến của khán giả cho rằng: “Nhịp trống quá giống. Đoạn mở đầu của 2 ca khúc cũng na ná nhau”; "Có gì đâu mà lạ, phong cách viết nhạc của Sơn Tùng trước giờ là lấy mỗi chỗ một ít từ những bài hit đình đám"...

Thậm chí, DJ Heyder - chủ nhân bản hit "We don’t talk anymore" từng chia sẻ đường link của MV "Chúng ta không thuộc về nhau" do Sơn Tùng thể hiện đi kèm dòng trạng thái đại ý: “Bản nhạc Việt Nam này khá giống với bản remix của tôi”.

Tuy nhiên, tương tự như các lần trước, phía Sơn Tùng M-TP đều giữ im lặng trước những cáo buộc.

Ngay cả những ca khúc đình đám như: "Buồn không thể buông" (Phí Phương Anh) hay mới đây là "Người ôm pháo hoa" (Đông Nhi), "Vũ trụ có anh" (Phương Mỹ Chi) và "Về với em" (Võ Hạ Trâm)... cũng bị gọi tên vào các ca khúc bị tố đạo nhạc.

Tuy nhiên, điểm chung của các lùm xùm đạo nhạc tại Việt Nam đa phần là do khán giả phát hiện, chỉ dừng ở mức độ bàn tán trên mạng xã hội và không có vụ kiện bản quyền nào xảy ra sau đó.

img

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội

Chia sẻ với Báo Giao thông về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (đoàn Luật sư Hà Nội) thừa nhận, vấn đề xâm phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam không phải là một vấn đề mới.

Tuy nhiên các biện pháp, chế tài đối với hành vi vi phạm còn hời hợt, chưa có tính ứng dụng vào thực tiễn dẫn đến việc vi phạm bản quyền vẫn xuất hiện ngày càng thường xuyên.

Luật sư cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 không có thuật ngữ “đạo nhạc”, nhưng có quy định nghiêm cấm hành vi sao chép tác phẩm của người khác mà không xin phép, trừ một số trường hợp được pháp luật cho phép.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định, mọi cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

"Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có một vụ kiện liên quan đến vấn đề bản quyền, do đây là quan hệ dân sự, pháp luật khuyến khích các bên tự do thỏa thuận với nhau để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất và có lợi cho cả hai bên. Việc khởi kiện ra tòa là phương án cuối cùng, khi hai bên không thống nhất được ý kiến.

Ngoài ra, những vụ ồn ào đạo nhạc mới chỉ dừng ở những nghi vấn chưa có căn cứ, được lan truyền trên mạng xã hội, khi nghe thấy trong bài có đoạn gọi là “hơi giống” một bài hát khác.

Trong khi việc xác định có hành vi sao chép tác phẩm cần đến một cơ quan chuyên môn kỹ thuật cao. Trường hợp hai tác phẩm có giai điệu, lời bài hát… giống nhau đến trên 40%, người nghe rất dễ nhận ra. Nhưng nếu chỉ giống một đoạn giai điệu, rất khó để xác định và đưa ra bằng chứng về hành vi đạo nhạc.

Do đó, kể cả khi khởi kiện ra tòa, nhưng nguyên đơn không chứng minh được phía bị đơn sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của mình mà không xin phép, thì cũng không giải quyết được vấn đề", luật sư Tiền phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.