Xã hội

Làng tiến sĩ xứ Đông nối dài mạch chữ

08/10/2022, 06:13

Từ TP Hải Dương đi khoảng 30km về phía Tây Nam để đến làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang - nơi được coi là vùng đất học nổi tiếng.

Với 36 người đỗ tiến sĩ nho học thời phong kiến, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương) nổi danh trong lịch sử là ngôi làng khoa bảng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Đến nay, mạch chữ xứ Đông vẫn không ngừng chảy…

Vùng đất khoa bảng

img

Làng tiến sĩ Mộ Trạch như một lời khẳng định về truyền thống hiếu học, thành tích của những người dân

Từ TP Hải Dương đi khoảng 30km về phía Tây Nam để đến làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương), nơi được coi là vùng đất học nổi tiếng.

Cũng khung cảnh làng quê thanh bình, nhưng ngay từ cổng làng đến những ngôi nhà hai bên đều được xây dựng bề thế.

Đường vào nhà văn hóa của làng là một con đường to, rộng, thảm bê tông phẳng mịn, cạnh đó là một thư viện đang được sửa sang lại ở khu vực cổng.

“Không phải làng nào cũng có thư viện đâu”, người thợ sửa cổng thư viện vui vẻ pha lẫn tự hào nói với PV Báo Giao thông.

Ông Vũ Quốc Ái, Thường trực Ban quản lý di tích thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang cho biết: Làng Mộ Trạch được gọi là “lò tiến sỹ xứ Đông”, “làng khoa bảng” do truyền thống ham học hỏi và có nhiều người giỏi.

Vua Tự Đức uyên thâm về chữ nghĩa, giỏi về chính trường còn ban tặng lời vàng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ)”.

Theo ông Ái, người dân trong thôn Mộ Trạch dù chủ yếu là làm nông, nhưng đều khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho con cái ăn học. Như gia đình bà Vũ Thị Minh và ông Vũ Phương Mạo, mặc dù phải đi ra đồng từ sáng sớm nhưng các con của ông bà thi 3 trường đại học thì luôn đỗ 2 trường.

“Mỗi lần nhận tin con đỗ đại học, vừa mừng vừa lo, nhưng nỗi lo nguồn tiền cho các con ăn học sẽ giấu vào lòng. Chúng tôi dù vay mượn cũng động viên các con cứ học hết sức mình, có như vậy thì cuộc sống mới khá lên được. Bọn trẻ thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với bố mẹ, đứa nào cũng vừa học vừa làm thêm, ra trường là gia đình đỡ vất vả”, bà Minh chia sẻ.

Không ai ở Mộ Trạch lý giải được vì sao, làng có nhiều người học giỏi, theo học đại học, đỗ đạt thạc sỹ, tiến sỹ... Chỉ biết theo sách “Vũ tộc khoa hoạn phả ký” của Vũ Bật Hài thì Vũ Nghiêu Tá là tổ khai khoa của họ Vũ làng Mộ Trạch viết nên, truyền thống khoa bảng của làng liên tục được bồi đắp dày thêm, phát tích khoa bảng rực rỡ.

Ngoài 36 tiến sĩ thì làng Mộ Trạch còn có hàng chục người khác đỗ hương cống, sinh đồ, tú tài. Nhiều người giữ các chức vụ trọng yếu trong triều đình đương thời.

Có gia đình mấy anh em cùng đỗ đại khoa; có chi họ, như chi họ Vũ Khắc đã đời nối đời đỗ đạt... Đáng chú ý, Mộ Trạch cũng là nơi xuất thân của 5 người có biệt tài, được phong trạng gồm: Trạng toán Vũ Hữu, Trạng vật Vũ Phong, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng chạy Vũ Cương Trực, Trạng nguyên Lê Đỉnh.

Ông Vũ Quốc Ái chia sẻ thêm: Năm Bính Thân (1656) cả nước có 3.000 người đi thi, kết quả có 6 tiến sĩ. Trong đó, người làng Mộ Trạch có 3 tiến sĩ gồm: Vũ Đăng Long, Vũ Trác Lạc, Vũ Công Lượng.

Trong 82 văn bia còn lại tại Văn miếu Quốc Tử Giám – di tích văn hóa lịch sử tại Hà Nội có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có đủ tên của 36 tiến sĩ Mộ Trạch.

“Hàng năm cứ đến mùng 8 tháng Giêng là lễ hội truyền thống, khách thập phương lại đến Mộ Trạch nghe chuyện, tưởng nhớ các tiến sĩ Nho học đã làm nên một làng khoa bảng có một không hai”, ông Ái cho hay.

Giữ gìn truyền thống hiếu học

img

Dù cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn, tuy nhiên ẩn sâu trong đó là tinh thần hiếu học luôn được duy trì

Là một người dân sinh ra tại vùng đất hiếu học, ông Vũ Xuân Quân cho biết, mặc dù không thuộc bậc lão làng nhưng những câu chuyện về nguồn gốc, về thành tích bảng khoa của các bậc tiền nhân thì phần lớn mọi người đều nắm rõ.

“Gọi làng Mộ Trạch quê tôi là làng tiến sĩ, trong chữ Hán gọi là “tiến sĩ sào”. Sào có nghĩa là tổ chim với ý nghĩa làng Mộ Trạch giống như một tổ chim ủ trứng ấp, nở ra nhiều người học giỏi, đạt được học vị cao quý là trạng nguyên, tiến sĩ”, ông Quân tự hào nói.

Theo ông Quân, người dân Mộ Trạch suốt bao đời nay đều răn dạy con cháu về truyền thống hiếu học, học để thoát nghèo đói.

Ngày nay, tầng tầng lớp lớp các thế hệ con cháu không ngừng phấn đấu đỗ đạt thành tài. Con cháu, hậu duệ gốc làng Mộ Trạch có nhiều người thành danh, như nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, Nhà văn Vũ Ngọc Phan, GS.TS. vật lý nguyên tử Vũ Khắc Thịnh, GS. Toán học Vũ Văn Hà, Tiến sĩ vật lý Đỗ Khắc Thịnh hiện ở Nhật Bản…

Ông Quân cũng như những người dân Mộ Trạch đều tin tưởng, mạch chữ ở làng Mộ Trạch hiện thân trong chiếc giếng làng thiêng liêng, huyền bí, không bao giờ cạn.

Cũng là sự trùng hợp khi thành giếng được xây dựng từ thời Hậu Lê với đường kính 36m, đúng bằng con số 36 tiến sĩ của làng được ghi danh sử sách. Tuy mực nước giếng chỉ sâu 1m, nhưng cứ múc đến đâu là nước đầy đến đó, không bao giờ cạn.

Nước giếng ở đây rất ngọt. Trước đây những năm đại hạn, trong khi giếng làng khác đã cạn, thì giếng làng Mộ Trạch vẫn nguyên vẹn mực nước. Dân làng Mộ Trạch tin rằng con em mình thông minh, học giỏi là nhờ uống nước giếng từ long mạch, hội tụ khí thiêng, tinh hoa đất trời.

Theo ông Ái, làng Mộ Trạch cũng có rất nhiều chính sách khuyến học, hỗ trợ học tập cho các em. Thời điểm chuyển cấp cho học sinh khối 12 thì trung tuần tháng 3 hàng năm Chi hội Khuyến học thôn Mộ Trạch có mời một số giáo sư, tiến sỹ và giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm về truyền đạt nhằm giới thiệu, chia sẻ những việc học hành để các em có định hướng tốt, có sự hiểu biết, chăm chỉ học hành.

“Đối với các học sinh từ tiểu học, THCS… thì thôn sẽ tổ chức các buổi giới thiệu về lịch sử, truyền đạt sự ham học hỏi, truyền thống hiếu học, nhằm tiếp nối truyền thống “Lò tiến sĩ xứ Đông”, ông Ái chia sẻ.

Năm 2018, tại lễ hội truyền thống ở Mộ Trạch, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã trao Cúp kỷ lục Việt Nam công nhân làng Tiến sỹ Mộ Trạch là làng có số lượng tiến sĩ nhiều nhất cả nước từ thế kỷ XIV – XVIII.

Làng Mộ Trạch có 36 tiến sĩ kể từ thời nhà Trần cho đến thế kỷ XVIII. Từ năm 1960 - 2022 tại Mộ Trạch có khoảng 3.200 nhân khẩu, trong đó có trên 500 trường hợp đỗ đại học.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.