Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân - chi phí nhỏ, lợi ích lớn |
Lập hồ sơ sức khỏe điện tử chỉ 6 nghìn đồng/dân
Theo ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 về việc bổ sung Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh: Tỷ lệ người dân có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đạt: ≥ 85% (năm 2018); và ≥ 90% (năm 2019, 2020).
Để thực hiện hồ sơ sức khỏe cá nhân, ông Châu nhấn mạnh hồ sơ sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp một mã định danh y tế duy nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân đảm bảo liên thông, đồng bộ, kết nối với các phần mềm khác từ hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh. Hồ sơ được tạo lập tối thiểu phải có thông tin hành chính, thông tin sức khỏe, các dấu hiệu sinh tồn, chỉ số nhân trắc học, tiền sử bệnh…
Ông Châu cũng cho biết thêm đến nay Sở Y tế Hà Tĩnh cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế và các cơ quan trên địa bàn về triển khai lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho người dân.
Trung tâm Y tế, y tế dự phòng tổ chức tập huấn cho Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số thực hiện điều tra theo biểu mẫu hồ sơ sức khỏe của Quyết định 831/QĐ-BYT.
Nhóm hồ sơ được thành lập theo từng đối tượng ví dụ như nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm học sinh, nhóm sinh viên, nhóm hưu trí, nhóm công nhân viên chức, người lao động trong các nhà máy xí nghiệp. Nhờ đó, đến cuối tháng 10/1018, ông Châu cho biết toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 97 % hồ sơ được cập nhật lên phần mềm hồ sơ sức khỏe. Được biết kinh phí thực hiện Kế hoạch từ ngân sách của tỉnh gần 6.000 đồng/ 01 người dân.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là giảm phiền hà cho người dân đang là những mục tiêu được ngành y tế thực hiện quyết liệt và một trong những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu này là việc triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.
Mặc dù theo lộ trình, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai và từng bước hoàn thiện tại 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm trước khi triển khai nhân rộng trên toàn quốc từ tháng 7/2019, nhưng có nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, liên thông dữ liệu từ cấp cơ sở đến tỉnh nhằm giúp cho công tác điều trị hiệu quả hơn cũng như thời gian chờ đợi khám bệnh rút ngắn lại...
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân có thể tự mình tìm kiếm và xem hồ sơ sức khỏe của mình trên mạng và tự tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ của riêng mình. Hoặc khi người dân đi khám, chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ hướng dẫn người dân tiếp cận hồ sơ sức khỏe của mình và tạo mã khóa để bảo mật hồ sơ sức khỏe cho mỗi người dân. Người dân không phải đi khám để lập hồ sơ sức khỏe, không phải kê khai lại hồ sơ sức khỏe và không mất chi phí về hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân. Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời để tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận