Cảnh trong vở kịch “Mùa hoa sữa" - Ảnh: Dương Thu |
Liên hoan sân khấu Thủ đô Hà Nội lần III vừa khép lại với chiến thắng thuộc về vở diễn Mùa hoa sữa của Nhà hát Kịch quân đội. Đây là vở diễn ít ỏi nói về Hà Nội trong mùa liên hoan sân khấu lần này.
Thiếu vắng đề tài thủ đô
Liên hoan sân khấu Thủ đô Hà Nội lần III có 10 tác phẩm sân khấu tham gia, thuộc 3 loại hình nghệ thuật chèo, cải lương và kịch nói. Các tác phẩm có nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại. Đa số các vở diễn lần này nói về chủ đề nóng, khắc họa những con người đương thời với những va chạm, xung đột trong xã hội và các mặt trái, tiêu cực của xu thế hội nhập hiện nay.
Đáng nói trong 10 tác phẩm ấy, chỉ có 3 vở nói về Hà Nội và con người Hà Nội là: Mùa hoa sữa (Nhà hát Kịch quân đội), Ngôi nhà trong thành phố (Nhà hát Kịch Hà Nội) và Thế sự (Nhà hát Kịch Việt Nam), các vở còn lại thuộc nhiều đề tài khác nhau. Đây có thể coi là điều đáng tiếc với một liên hoan nhằm động viên, khuyến khích những tác phẩm sân khấu nói về Hà Nội, đặc biệt sự kiện lại diễn ra nhân kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 2018).
Mùa hoa sữa - tác phẩm đoạt Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc xoay quanh cuộc chiến của những người con trong một gia đình, giữa một bên muốn bán đi ngôi nhà tổ để chia tiền và một bên muốn giữ lại ngôi nhà với những giá trị văn hóa, truyền thống của cha ông. Đây cũng là vở giành 3 giải Vàng lần này khi ngoài giải Vàng cho vở diễn xuất sắc còn đoạt giải Đạo diễn xuất sắc và Họa sĩ xuất sắc.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phủ nhận việc có sự ưu ái cho tác phẩm này vì đây là vở ít ỏi nói về Hà Nội. Theo NSND Lê Tiến Thọ, vở diễn hoàn chỉnh về cách thể hiện, diễn xuất và cách xử lý lớp lang tình tiết trong vở. “Họ làm đúng chủ đề, xây dựng được những hình mẫu nhân vật, mâu thuẫn của những quan niệm trong xã hội. Nghệ thuật phải chân thực, đến với công chúng bằng cảm xúc. Vở diễn tạo ra được yếu tố ấy. Ban đầu, chúng tôi định trao 2 HCV, 2 HCB nhưng cuối cùng chỉ chọn 1 vở đại diện nhất để trao giải vàng”, ông chia sẻ.
NSND Lê Tiến Thọ cũng cho hay, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ trao đổi với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các hội nghệ thuật dành thời gian, kinh phí phối hợp mở trại sáng tác kịch bản sân khấu về Thủ đô Hà Nội để có nhiều tác phẩm dàn dựng hướng tới Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV (diễn ra năm 2020), tránh tình trạng thiếu kịch bản mới như hiện tại, nhất là kịch bản về Thủ đô.
Nhiều sai sót về lịch sử
Có thể nói, mỗi mùa liên hoan sân khấu là dịp để người dân được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật có mới, có cũ. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông, các buổi biểu diễn trong liên hoan đều luôn chật khán giả ở rạp Đại Nam và rạp Công Nhân.
Đây là điều đáng mừng bởi trong thời kỳ sân khấu Thủ đô gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc giới thiệu và quảng bá những vở diễn chất lượng tới khán giả càng cần thiết.
Đặc biệt, những dịp liên hoan thế này còn để các nghệ sĩ nhìn ra được những hạn chế của mình trong việc sáng tạo, xử lý vấn đề. NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chỉ ra, có những vở diễn có chuyên môn cao thể hiện ở việc dàn dựng, kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ như vở: Mùa hoa sữa, Đen trắng vòng đời…
Tuy nhiên, cũng có không ít tác phẩm vẫn lúng túng trong việc sử dụng các mảng, miếng, phương pháp dàn dựng. Thậm chí, những đề tài dã sử còn mắc lỗi về sự thật lịch sử.
“Trong vở Lý Triều dựng nghiệp (Nhà hát Cải lương Việt Nam), chi tiết ngọa triều Lê Long Đĩnh dóc mía trên đầu sư Vạn Hạnh, rồi lệnh chém đầu sư Vạn Hạnh là không đúng. Trong Đại Việt sử ký toàn thư chính sử, việc dóc mía là trên đầu sư có tên Quách Mão và thiền sư Vạn Hạnh cũng không bị chém đầu.
Trong vở Thế sự, nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh chưa được mô tả là con người như thế nào, phù Lê hay theo Nguyễn Huệ, có phải kẻ ăn ở hai lòng hay không”, đạo diễn Trần Minh Ngọc phân tích. Ông cũng phê bình có những diễn viên thể hiện lớp ca kịch vẫn cố ý hát thật lớn, vì theo ông “nghệ thuật không chấp nhận sự cố ý”.
Sân chơi ít vở mới?
Không chỉ vậy, việc liên hoan chủ yếu là các tác phẩm cũ là một vấn đề băn khoăn về sức sáng tạo của các nhà hát, cũng như nỗi niềm có cần thiết hay không việc tổ chức một liên hoan sân khấu tốn kém mà có ít tác phẩm mới.
Nói về điều này, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ chia sẻ, nếu không có những dịp liên hoan như thế này “xới” lại, những vở được đầu tư hoành tráng như Cô Son (Nhà hát Chèo Hà Nội - được ra mắt từ năm 2012) sẽ gần như rơi vào quên lãng.
Do đó, sự kích cầu, thúc đẩy để làm mới tình hình sân khấu cũng như sự sáng tạo của nghệ sĩ là điều quan trọng. Theo ông, liên hoan cũng không mấy tốn kém vì diễn ra ở Hà Nội nên không phải di chuyển nhiều. Các nghệ sĩ tạo được các sân chơi, các vở diễn mới và được Hội Nghệ sĩ hỗ trợ kinh phí sáng tạo.
“Đây là hoạt động xã hội hóa mà người ta khao khát cống hiến, tạo ra những tác phẩm mới đóng góp cho xã hội. Nếu không tổ chức thì sẽ không tập hợp được lao động xã hội”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận