Phớt lờ biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm
Dù trên địa bàn TP Hạ Long đã có các bãi tắm thuộc khu vực Hồng Gai, phường Bãi Cháy, nhưng do ngại di chuyển xa, nhiều người dân vẫn bất chấp các biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm để xuống biển.
Dù có hàng rào dây thép gai, có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn để xe đạp, xe máy trên bờ rồi xé rào, vượt lan can vào tắm biển ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long.
Điển hình, vào các buổi chiều mùa hè, tại các khu vực cầu Bài Thơ (phường Bạch Đằng), khu vực bến phà cũ thuộc phường Hồng Gai (phường Yết Kiêu), nhiều người dân đã xé rào, bắc thang, trèo qua lan can, leo lên vách núi đá để xuống tắm biển dù khu vực có biển cấm.
Ban quản lý vịnh Hạ Long hồi cuối tháng 7 gửi văn bản tới Sở Du lịch Quảng Ninh, nêu lý do không phát triển các bãi tắm trên vịnh, trong đó nhấn mạnh "vấn đề bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long".
Hay tại bãi biển ở gần cảng tàu Vinashin (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) luôn có đông người lớn, trẻ em lặn ngụp dưới làn nước khá đục, nổi lềnh bềnh thùng xốp, rác thải sinh hoạt. Nguy hiểm hơn, dù phía ngoài là luồng tàu thuyền vào, ra vịnh Cửa Lục, nhưng nhiều người vẫn liều lĩnh bơi cắt ngang luồng ra xa.
Đáng nói, tại khu vực này, chính quyền phường Hồng Gai đã lắp biển cảnh báo "khu vực nguy hiểm, cấm tắm biển" và lan can khu vực này đã được rào dây thép khá dày. Thế nhưng, người dân vẫn vượt qua lan can, hàng rào dây thép gai để xuống biển tắm.
Trên bờ là dãy hàng nước giải khát, ăn vặt phục vụ người đến tắm biển. Vỉa hè trở thành bãi đỗ xe tự phát và nơi thay đồ của người dân để xuống tắm biển.
Một người dân chui qua lan can để xuống tắm biển ở khu vực có biển cảnh báo nguy hiểm tại phường Hồng Gai.
Vừa chui qua lan can nơi có thanh ngang bị bẻ gãy, chị Hải, nhà ở phường Hòn Gai cho hay: "Vẫn biết là có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng các bãi tắm thì ở Cột 8, phường Hồng Hà hoặc bên Bãi Cháy, phải đi thêm vài km, nên bà con cứ tiện là xuống đây tắm".
Còn ông Tuấn, nhà ở phường Hồng Gai thì trần tình: "Thực tế thì bãi tắm tự phát này chưa xảy ra vụ đuối nước nào, còn bà con ai thấy cần an toàn sẽ mặc áo phao, hoặc cầm theo chiếc can".
Người dân bắc thang để xuống tắm ở vùng biển dưới chân cầu Bài Thơ.
Thiếu chế tài dẹp bãi tắm tự phát
Một cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long chia sẻ, những điểm tắm tự phát này không được cấp phép hoạt động, không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, không có ranh giới an toàn, không có lực lượng cứu hộ; ít người biết được mức nông, sâu vùng nước hay độ xiết của dòng chảy, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
"Đặc biệt, nhiều điểm tắm tự phát là luồng của tàu, thuyền thường xuyên hoạt động, rất dễ xảy ra mất an toàn cho người tắm nếu bơi ra quá xa, cắt ngang luồng", vị này nói.
Nhiều người bơi quá xa lại cắt ngang luồng tàu, thuyền ở khu vực cầu Bài Thơ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Được biết, cơ quan chức năng TP Hạ Long, các xã, phường đã tổ chức cắm biển cảnh báo, làm hàng rào cản lối xuống biển; thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định để đề phòng tai nạn đuối nước.
Tuy nhiên, phớt lờ cảnh báo, tuyên truyền, nhiều người dân cứ vắng bóng lực lượng chức năng lại xuống các bãi tắm tự phát.
Người dân để xe máy trên vỉa hè dành cho người đi bộ rồi leo qua lan can vào tắm ở bãi tắm tự phát tại phường Hòn Gai.
Lý giải về vấn đề này, một cán bộ phường Bạch Đằng, TP Hạ Long cho biết: khó nhất là hiện nay, không có quy định nào xử phạt vi phạm hành chính đối với người dân tự ý xuống tắm ở sông, biển, ao hồ, suối… cả.
"Bờ biển thì dài, vùng nước thì rộng, cán bộ phường thì ít lại phải làm bao nhiêu nhiệm vụ, nếu không có quy định cụ thể về xử phạt hành chính mà chỉ tuyên truyền, vận động thì khó thay đổi được nhận thức người dân", vị cán bộ phường Bạch Đằng phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận