Quân sự

Lỗ hổng thách thức kế hoạch có 4 nhóm tấn công tàu sân bay của Trung Quốc

22/08/2020, 10:08

Trong vòng 1 thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch trang bị ít nhất 4 nhóm tấn công tàu sân bay. Sự phát triển này cũng đặt nhiều thách thức.

img
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên tàu sân bay Sơn Đông - ảnh News.cn

Kế hoạch 4 nhóm tấn công tàu sân bay

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hải quân của mình một lần nữa đã đạt được hiệu quả cao sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, thúc đẩy kế hoạch sở hữu ít nhất bốn nhóm tấn công tàu sân bay trong thập kỷ tới.

Một nguồn tin hải quân cho biết, căng thẳng leo thang với Mỹ đã khiến Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch đóng tàu chiến. Nhưng, những người theo dõi tình hình quân sự và những người trong cuộc cho rằng ngay cả khi không có sự gián đoạn của Covid-19, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đào tạo những quân nhân chuyên nghiệp, cần thiết để thực hiện tham vọng của mình.

Các dấu hiệu về sự thúc đẩy tích cực của hải quân Trung Quốc đã được Bắc Kinh thể hiện rõ ràng vào cuối năm ngoái khi một bức ảnh chụp từ trên không của một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội.

Bức ảnh cho thấy 12 tàu chiến đang được đóng cùng lúc tại bến tàu. Trong số này có hàng không mẫu hạm thứ ba, 9 tàu khu trục tiên tiến, một tàu đổ bộ cỡ lớn và một tàu theo dõi thử nghiệm tên lửa.

Nguồn tin hải quân Trung Quốc, người yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của thông tin quân sự, nói với báo SCMP rằng kể từ năm 2015, Hải quân Trung Quốc đã mua tích trữ một lượng lớn thép đặc biệt, loại dùng để đóng tàu thương mại và quân sự.

Nguồn tin trong cuộc cũng cho biết lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng sẽ bù đắp thiệt hại kinh tế do sự suy thoái trong lĩnh vực đóng tàu thương mại bằng cách thúc đẩy các nguồn lực sang đóng tàu quân sự.

Sự sụt giảm trong ngành vận tải biển toàn cầu dẫn đến giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc giảm xuống do các công ty ký được ít hợp đồng đóng tàu mới hơn.

Việc đóng mới các tàu chiến ở Thượng Hải là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm có ít nhất 4 nhóm tấn công tàu sân bay - so với 11 nhóm tấn công do hàng không mẫu hạm dẫn đầu của Mỹ - vào năm 2035.

Khi đã có trong tay lượng tàu chiến này, Bắc Kinh sẽ quyết liệt tiến hành thực hiện các đòi hỏi lãnh thổ, tham vọng hải quân toàn cầu và bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng ở nước ngoài.

img
Ông Tập Cận Bình trên tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 8 này, một bước nữa trước khi nó chính thức được đưa vào vận hành.

Hạm đội quân sự của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ kinh ngạc trong hơn 10 năm qua. Năm 2005, Trung Quốc có hạm đội 216 tàu, tăng lên 335 chiếc vào tháng 10 năm 2019, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Hầu hết việc mở rộng đó là dưới sự giám sát của Đô đốc Wu Shengli, chỉ huy Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân trong giai đoạn 2006-2017. Sự tăng trưởng dự kiến ​​sẽ tiếp tục, với "lực lượng chiến đấu" hải quân tổng thể của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt 400 tàu nổ và tàu ngầm vào năm 2030, nhiều hơn so với kế hoạch 355 tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ.

Andrei Chang, Tổng biên tập của tờ Đánh giá phòng thủ Hán Hòa (Kanwa Defense Review) có trụ sở tại Canada, cho biết ngành đóng tàu của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn so với đối tác Mỹ.

Chất lượng tàu chiến, hệ thống chỉ huy

Tuy nhiên, ông Andrei Chang cho biết PLA có thách thức lớn đó là phải theo dõi chặt chẽ việc kiểm soát chất lượng tàu chiến khi đẩy nhanh quá trình sản xuất để không lâm vào cảnh “dục tốc bất đạt”.

Theo Andrei Chang, vấn đề thách thức nhất đối với quân đội Trung Quốc là đào tạo các thủy thủ đoàn chuyên nghiệp và phát triển một hệ thống chỉ huy hiệu quả để điều phối nhiều nền tảng tàu chiến hiện đại như vậy.

Ông nói: “Việc đóng một tàu sân bay có thể chỉ cần vài năm, nhưng sẽ mất hơn 10 năm để đào tạo và điều phối hàng nghìn thủy thủ làm việc trên nền tảng này.

img
Hải quân Trung Quốc.

Sự sụt giảm trong ngành vận tải biển toàn cầu dẫn đến giá hàng hóa giảm xuống do các công ty ban hành ít hợp đồng đóng tàu mới hơn.

Trung Quốc bắt đầu đào tạo thành viên thủy thủ đoàn điều hành tàu sân bay vào cuối những năm 1980 khi cố Đô đốc hải quân Lưu Hoa Thanh đề xuất kế hoạch đóng tàu sân bay của mình với chính quyền Bắc Kinh.

Nhưng, trước khi đưa vào vận hành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh vào năm 2012, tiến độ diễn ra rất chậm vì thiếu kinh nghiệm.

Nhân viên vận hành và phi công

Tàu Liêu Ninh, một tàu sân bay của Liên Xô được trang bị thêm, trở thành nền tảng huấn luyện duy nhất của Trung Quốc cho các nhóm tấn công tàu sân bay trong tương lai của nước này.

img
Huấn luyện phi công trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Lý Dị, chuyên gia hải quân có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết thủy thủ đoàn của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh lần lượt đào tạo nhân viên cho tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay đầu tiên được đóng ở Trung Quốc.

“Ba hoặc bốn nhân viên của Hải quân Trung Quốc đang làm việc ở cùng một vị trí trên tàu Liêu Ninh vì họ phải học cách vận hành tàu sân bay và phối hợp với các tàu khác đi cùng vẫn là một điều mới mẻ đối với quân đội Trung Quốc,” chuyên gia lý dị nói.

Một vấn đề khác là đào tạo phi công, với việc PLA vẫn đang gặp khó khăn trong việc đào tạo những phi công trẻ đủ khả năng cất cánh từ đường băng kiểu cầu nhảy trên tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Sơn Đông.

Học cách cất cánh và hạ cánh trên sàn đáp dưới 300 mét (980 feet) cần nhiều thời gian. Hải quân Trung Quốc đã tự đào tạo phi công của chính mình kể từ năm 2017 - thay vì tuyển dụng họ từ lực lượng không quân.

Hơn nữa, tàu sân bay Type 002 sắp tới của PLA sẽ có hệ thống phóng điện từ tiên tiến nhất thế giới, một lĩnh vực khác cần được đào tạo thêm vì Trung Quốc chưa có kinh nghiệp khai thác – vận hành hệ thống này như người Mỹ.

Việc đào tạo này rất quan trọng không chỉ từ góc độ tác chiến mà còn cả quan điểm lãnh đạo, với hầu hết các tàu sân bay ở nơi khác do các cựu phi công chỉ huy.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu từ Yuan Wang - Viện khoa học và công nghệ quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc vẫn còn nhiều điều phải học hỏi về việc vận hành các tàu sân bay như vậy.

"Hải quân Trung Quốc hiện chỉ có 300.000 binh sỹ, bao gồm hàng nghìn lính thủy đánh bộ mới thành lập được chuyển giao từ lực lượng Lục quân, những người vẫn cần học cách trở thành lính chiến trên biển hoặc thủy thủ thực thụ", - ông Zhou nói.

img
Nhân viên trên một tàu chiến của PLA.

“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để lực lượng hải quân của Trung Quốc học cách vận hành cùng lúc nhiều tàu chiến một cách trơn tru trong những năm tới”.

Một nguồn tin quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết việc thế giới phong tỏa và giới hạn đi lại do Covid-19 gây ra cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng và đào tạo thủy thủ đoàn của PLA.

Để ngăn ngừa sự lây nhiễm thêm, tất cả các thành viên thủy thủ đoàn phải trải qua hai tuần cách ly và sau đó một tuần theo dõi trên tàu trước khi lên đường thực hiện các nhiệm vụ mới.

Theo nguồn tin từ PLA, bất kỳ ai trở về sau các nhiệm vụ tuần tra và diễn tập cần phải trải qua hai tuần cách ly.

“Đó là lý do tại sao các hạm đội của PLA cho đến nay không có bất kỳ trường hợp nhiễm Covid-19 nào trên tàu, không giống như các đồng nghiệp của họ ở Mỹ,” nguồn tin cho biết.

"Nhưng tất cả những biện pháp đó có nghĩa là PLA phải triển khai ít thành viên phi hành đoàn hơn, buộc các chỉ huy phải triệu hồi các cựu binh để tăng cường khi cần thiết."

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.