Hạ tầng

Lo thiếu vật liệu làm đường Vành đai 4 Hà Nội

15/08/2023, 10:00

Đến nay, đã có 90% mặt bằng được giải phóng phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, nỗi lo thiếu vật liệu vẫn đang hiện hữu, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có giải pháp cấp bách.

Giải phóng xong gần 90% mặt bằng

img

Một trong những vấn đề lớn khiến nhà thầu thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang đứng ngồi không yên là thiếu nguồn vật liệu đất đắp và cát đắp. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, đến nay, huyện đã giải phóng được 90,79% mặt bằng, đang tiến hành bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Về xây dựng khu tái định cư, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2023, khởi công xây dựng đầu tháng 9/2023 và giao đất cho các hộ tái định cư tháng 12/2023.

Tại huyện Thường Tín, công tác giải phóng mặt bằng cũng khá khả quan khi khối lượng hoàn thành lên tới 84,3%.

Phó chủ tịch UBND huyện Phan Thanh Tùng cho biết, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu và bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công dự án khu tái định cư tại các xã Hồng Vân, Vân Tảo, Văn Bình, phấn đấu hoàn thành vào tháng 11/2023, bàn giao đất cho các hộ đúng kế hoạch.

Tại Mê Linh, diện tích giải phóng mặt bằng hoàn tất lên tới hơn 120ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao.

Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư), tính đến ngày 12/8, các quận, huyện đã giải phóng xong gần 90% mặt bằng, di chuyển 6.262 ngôi mộ (tương đương 62,57%).

“Dự kiến trong tháng 8, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để nhận toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã thu hồi xong để bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công. Với việc di chuyển điện cao thế từ 110KV - 500KV, hiện đơn vị đã trình sở Công thương thẩm định”, ông Cường thông tin.

Theo ghi nhận, tại dự án thành phần 2.1 của dự án (xây dựng đường song hành, đường đô thị) đã khởi công từ cuối tháng 6, nhà thầu thi công đang xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, xây dựng trạm thí nghiệm hiện trường, xin cấp phép thi công...

Công tác bóc đất hữu cơ, đắp nền, xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch sẽ được triển khai ngay trong tháng 8/2023.

Nguy cơ lớn thiếu đất đắp

Một trong những vấn đề lớn khiến nhà thầu thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang đứng ngồi không yên là thiếu nguồn vật liệu đất đắp và cát đắp.

Theo báo cáo của các nhà thầu thi công dự án thành phần 2.1, trên địa bàn Hà Nội không có mỏ đất đắp.

Qua khảo sát, các mỏ đất đang hoạt động khai thác nằm tại các tỉnh lân cận, cự ly vận chuyển xa nên không chủ động được nguồn vật liệu (4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ đất tại Thái Nguyên; 1 mỏ đất tại tỉnh Hòa Bình).

Các mỏ cát trên địa bàn Hà Nội có tổng trữ lượng lớn và gần phạm vi thực hiện dự án, tuy nhiên phần lớn chưa triển khai khai thác (6 mỏ đang đấu giá và 18 mỏ trong quy hoạch), công suất khai thác theo khảo sát của các mỏ hiện trạng khá thấp.

Những vấn đề này đều đã được Bộ GTVT lường trước và cảnh báo từ trước đó. Theo Bộ GTVT, thực tế triển khai các dự án thời gian vừa qua cho thấy, công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải trong quá trình thi công còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế.

Bộ GTVT cũng đã cảnh báo trữ lượng các mỏ đã khảo sát có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công.

Tuy nhiên, công suất khai thác các mỏ còn thấp; một số mỏ không nằm trên địa phận Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, nên chưa phù hợp để áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất mỏ; một số mỏ trữ lượng thấp, cự ly vận chuyển xa.

Được biết, để chủ động nguồn vật liệu đất đắp, Hà Nội đang nghiên cứu, lập phương án thăm dò, khai thác với 3 mỏ đất Khánh Chúc Bãi, Quy Mông và đồi Gò Đỉnh.

Với vật liệu cát đắp, thành phố đang đẩy nhanh việc cấp phép khai thác với 6 mỏ (Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu, Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, Thanh Chiểu, Thượng Cát).

Mới đây nhất, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đã có văn bản đề nghị sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo UBND TP Hà Nội phê duyệt các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch, chỉ phục vụ dự án đường Vành đai 4; báo cáo UBND TP phê duyệt danh mục đối với các mỏ khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác) làm cơ sở để các nhà thầu thi công có thể đề nghị đăng ký khai thác, sử dụng theo cơ chế đặc thù.

Để bảo đảm nguồn cung, đối với các mỏ vật liệu đã xây dựng kế hoạch đấu giá, đơn vị này cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai công tác đấu giá các mỏ vật liệu trong tháng 8/2023 và yêu cầu doanh nghiệp trúng đấu giá cam kết ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án.

Họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên 20,3km, Bắc Ninh 21,2km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần.

Dự kiến trong ngày hôm nay (15/8), tổ chuyên gia liên ngành sẽ họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đây được cho là cơ sở quan trọng để hội đồng thẩm định nhà nước có thể hoàn tất việc thẩm định báo cáo FS dự án thành phần quan trọng này trước ngày 31/8, trước khi UBND TP Hà Nội phê duyệt, đưa dự án thành phần 3 chính thức bước vào giai đoạn triển khai.

Nhu cầu vật liệu rất lớn

Theo tính toán, nhu cầu vật liệu làm dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh rất lớn. Cụ thể, đất đắp K98, K95, đắp bao là 12,012 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 10,467 triệu m3; cát xây dựng 3,401 triệu m3; đá 7,512 triệu m3.

Đã có 102 mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án được khảo sát. Trong đó, đối với mỏ đất đắp, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu m3 (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng 12,012 triệu m3).

Đối với mỏ cát, tư vấn đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến 10,467 triệu m3).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.