Từ điểm tựa thành điểm yếu
Sau hai trận đã đấu tại bảng D Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa giành được điểm nào khi thua Iraq (2-3) và Iran (0-2). Những kết quả này không quá bất ngờ bởi đoàn quân áo đỏ ở đẳng cấp thấp hơn so với hai đối thủ Tây Á, đặc biệt là Iran. Mặc dù vậy, người hâm mộ có quyền tiếc nuối bởi cả 5 bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều trực tiếp hoặc gián tiếp xuất phát từ lỗi của hàng thủ.
Bàn thua đầu tiên trong trận gặp Iraq, Duy Mạnh cản phá thiếu dứt khoát, tạo điều kiện để Mohanad Ali Kadhim băng xuống dứt điểm hạ gục thủ thành Đặng Văn Lâm. Bàn thua thứ hai, thủ thành Đặng Văn Lâm thiếu chủ động và không có sự phối hợp với đồng đội dẫn tới pha bóng lộn xộn và Faraj đã tận dụng thành công. Tới bàn thua thứ ba, Hồng Duy bỏ vị trí nên buộc phải phạm lỗi trước vòng cấm. Từ chấm đá phạt, Ali Adnan vẽ lên một đường cong khiến Văn Lâm bó tay. Những sai lầm này đã khiến bàn thắng của Công Phượng cùng pha phản lưới nhà của Ali Faez Atiyah bên phía Iraq trở nên vô nghĩa.
Bàn thua đầu tiên trận gặp Iran, các hậu vệ áo đỏ bỏ lọt Sardar Azmoun để tiền đạo này thoải mái đánh đầu tung lưới Việt Nam. Sardar Azmoun tiếp tục tận dụng thành công sơ hở nơi hàng thủ Việt Nam để ghi bàn thắng thứ hai cho Iran. Lần này, Trọng Hoàng và Duy Mạnh phối hợp thiếu ăn ý. Hai trận đấu, 5 bàn thua do lỗi của hàng thủ, trong khi 8 trận tại AFF Cup 2018, đoàn quân dưới quyền HLV Park Hang-seo chỉ để lọt lưới 4 bàn. Từ chỗ là điểm tựa, hàng thủ đang trở thành điểm yếu đáng báo động của đội tuyển Việt Nam. Điều gì đang xảy ra ở khu vực vẫn được coi là mạnh nhất của đội tuyển Việt Nam thời gian qua?
Đâu là nguyên nhân?
Đến lúc này, nhiều người mới thấy nhớ Trần Đình Trọng - hậu vệ đang phải điều trị chấn thương. Chơi ở trung tâm hàng thủ, với khả năng phán đoán tình huống tuyệt vời, Đình Trọng luôn có mặt đúng lúc, đúng chỗ giải nguy cho khung thành Văn Lâm. HLV Park Hang-seo bố trí Ngọc Hải chơi trám vào vị trí Đình Trọng để lại. Trung vệ người Nghệ An chơi lăn xả, không ngại va chạm nhưng còn thiếu chút quái và tỉnh táo so với người đồng nghiệp vắng mặt.
Tiền vệ Đức Huy đã lấy lại được trí nhớ
Trong trận đấu với tuyển Iran, tiền vệ Phạm Đức Huy đã bị mất trí nhớ tạm thời sau một pha va chạm với cầu thủ đối phương. Cụ thể, khi nhảy lên tranh bóng, Phạm Đức Huy bị va chạm mạnh vào phần thái dương khiến anh choáng váng. Sau đó, tiền vệ này không nhớ bất kỳ điều gì xảy ra trước đó.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, sau 1 đêm tĩnh dưỡng và được sự chăm sóc của bác sĩ, Đức Huy đã khôi phục hoàn toàn được trí nhớ.
Mất trí nhớ tạm thời là hiện tượng không hiếm gặp trong bóng đá. Mới nhất, hồi tháng 3/2017, ngôi sao Fernando Torres (Atletico Madrid) cũng đã gặp tình trạng tương tự sau pha tranh bóng bổng với cầu thủ Alex Bergantinos của Deportivo.
Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, thiếu Đình Trọng là một tổn thất cực lớn, dẫn tới hàng thủ đội tuyển Việt Nam suy yếu: “Đình Trọng là sợi dây liên kết giữa các cá nhân trong hệ thống phòng ngự. Cậu ấy cũng là người thường xuyên bọc lót khi cần. Không có Đình Trọng, những tình huống thiếu an toàn của Duy Mạnh đã bị đối phương khai thác triệt để. Việc xáo trộn con người cũng là nguyên nhân khiến hàng thủ đội tuyển Việt Nam chệch choạc”, ông Huy cho hay.
Cũng theo bình luận viên Vũ Quang Huy, nguyên nhân khác khiến “lá chắn” trước khung thành Văn Lâm dễ bị bẻ gãy là do các cầu thủ quá tải. “Chúng ta vừa trải qua một kỳ AFF Cup căng thẳng, các cầu thủ chưa kịp hồi phục, thể lực kém dẫn tới thiếu tập trung”, ông Huy nói và phân tích thêm: “Hai đối thủ mà đội tuyển Việt Nam vừa đọ sức quá mạnh. Họ có nhiều phương án tấn công, những cá nhân xuất sắc. Nếu đơn thuần đọ chiến thuật, Việt Nam không thua thiệt nhiều nhưng khi những cầu thủ tốt của họ thể hiện đẳng cấp, hàng thủ Việt Nam liền bị kéo giãn, lúng túng chống đỡ”.
Bên cạnh đó, thủ thành Đặng Văn Lâm tuy vẫn chơi khá ổn nhưng cũng cho thấy những hạn chế nhất định. Hai bàn thua từ những pha không chiến của tuyển Việt Nam ở hai trận vừa qua, Lâm “Tây” khá bị động trong việc bật lên cản phá, dù sở hữu thể hình lý tưởng. “Văn Lâm có lợi thế thể hình nhưng chưa làm chủ được vòng cấm, ra vào còn rụt rè, kém mạnh dạn”, cựu danh thủ Nguyễn Thế Anh nhận xét.
Bên cạnh những nguyên nhân vừa nêu, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh còn cho rằng, việc đội tuyển Việt Nam bộc lộ nhiều lỗ hổng ở hàng thủ còn do lỗi hệ thống. “Ở cả hai trận đã đấu đã qua, đội tuyển Việt Nam đều chơi khá mạnh dạn, nhiều thời điểm dâng cao đội hình, gây sức ép lên phần sân đối phương. Tất cả đều nằm trong toan tính của ông Park, đó là những thời điểm cầu thủ của chúng ta hưng phấn, đối phương chưa ổn định và thực tế đã đem lại hiệu quả. Nhưng cách chơi này, trước các đối thủ mạnh, tốc độ sẽ khiến Việt Nam bộc lộ nhiều khoảng trống”.
Khó điều chỉnh
Về giải pháp tăng cường sự chắc chắn cho hàng thủ, theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, rất khó để giải quyết trong một sớm một chiều. “Con người của chúng ta chỉ có vậy, đã thiếu lại yếu nên xoay kiểu gì cũng khó. Nhưng từ thực tế vừa qua cho thấy chúng ta phải thay đổi nếu muốn vươn ra châu lục. Muốn chơi phòng ngự tốt, Việt Nam phải có những hậu vệ cao to và khỏe, bằng không sẽ luôn phải chịu thua thiệt ở sân chơi lớn. Iran từng đá ngang ngửa với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tại World Cup 2018 là nhờ hàng thủ như vậy. Muốn có hậu vệ cao to, bóng đá Việt Nam cần chú trọng ngay từ khâu tuyển chọn cũng như dinh dưỡng. Hy vọng với đà phát triển hiện tại, vài năm tới, tầm vóc cầu thủ Việt Nam sẽ được cải thiện”, ông Vinh nói.
Bình luận viên Quang Huy cũng thừa nhận, không thể điều chỉnh hàng phòng ngự khi không có nhân sự đủ tốt: “Vấn đề chỉ là phong độ của các cầu thủ, nếu mỗi vị trí tự tốt lên, cả hệ thống sẽ được cải thiện. Trong bối cảnh các trụ cột quá tải, lại trước các đối thủ mạnh, tìm ra phương án vẹn toàn không đơn giản. Rất may ở lượt trận đấu cuối vòng bảng, Việt Nam chỉ gặp Yemen, đội yếu nhất bảng nên chúng ta có thể lấy công bù đắp cho thủ”, ông Huy nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận