Nghệ đã xuất hiện trong y học cổ truyền từ hàng nghìn năm trước và đến thời hiện đại, với trình độ phát triển, khoa học hiện đại cũng đã chứng thực được nhiều lợi ích sức khoẻ của loại cây này. Dưới đây là một số tác dụng đặc biệt của nghệ và mẹo để kết hợp nó vào thực đơn của bạn.
1. Nghệ giúp giảm viêm
Viêm là một phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch, thường xảy ra khi cơ thể bị thương. Nó cô lập khu vực vết thương khỏi mô lành gần đó bằng một lớp bọc bạch cầu, đây được coi là một phần của quá trình chữa lành của cơ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phản ứng viêm của cơ thể xảy ra mà không có chấn thương. Nếu tình trạng viêm trở nên mãn tính hoặc quá mức, có thể gây tổn thương lâu dài và một loạt các bệnh mãn tính, từ bệnh tim đến tiểu đường.
Theo đó, một đánh giá y tế vào năm 2017 đăng trên tạp chí Foods cho thấy, chất curcumin có trong nghệ làm giảm viêm ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp – một bệnh mãn tính có đặc điểm là cứng khớp và bị viêm không thường xuyên.
Những bệnh nhân dùng 1000mg curcumin mỗi ngày trong vòng từ 8 đến 12 tuần cho thấy các triệu chứng viêm như cứng khớp buổi sáng, sưng khớp, đau đã giảm.
2. Là chất chống oxy hoá
Đánh giá y tế năm 2018 được công bố trên Tạp chí Hóa dược Châu Âu cho thấy, chất curcumin trong nghệ hoạt động như một chất chống oxy hóa.
Đây là chất ổn định đối trọng với các tác động của gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do đến từ cả quá trình trao đổi chất tự nhiên như tiêu hoá và các nguồn bên ngoài như ô nhiễm, khói thuốc lá.
Khi số lượng gốc tự do và chất chống oxy hoá được cân bằng trong cơ thể, các gốc tự do sẽ giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên khi sự cân bằng mất đi, gốc tự do nhiều hơn chất chống oxy hoá, hiện tượng stress oxy hoá sẽ xảy ra. Đây là lúc các gốc tự do gây hại cho protein, mô mỡ và DNA của tế bào.
Theo thời gian, tổn thương liên tục này có thể dẫn đến các bệnh như tiểu đường và các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson.
Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Clinical Biochemistry cho thấy ở 21 bệnh nhân mắc bệnh b-thalassemia / Hb E - một chứng rối loạn máu di truyền - 500mg curcuminoids mỗi ngày trong vòng 12 tháng có thể làm giảm mức độ stress oxy hóa.
3. Nghệ có thể giúp chữa ung thư
Nhiều nghiên cứu về curcumin đã tập trung vào tiềm năng của nó để điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng của một số loại ung thư khác nhau.
Nguyên nhân là vì mối tương quan giữa chứng viêm mãn tính và sự phát triển của ung thư. Các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của curcumin có thể chứng tỏ có lợi trong việc chống lại bệnh tật.
Và thực tế, một đánh giá y tế năm 2019 được công bố trên tạp chí Nutrients cho hay chất curcumin có thể ngăn chặn sự gia tăng của các tế bào ung thư vú, do đó làm chậm sự phát triển của khối u.
Đánh giá tương tự cũng cho thấy curcumin đang được khám phá để tìm ra công dụng trong việc chữa trị ung thư phổi, đại trực tràng, tuyến tuỵ và một số loại khác. Dù chưa đi đến cuối cùng nhưng các nghiên cứu đã tìm thấy kết quả đáng mong chờ trong các thí nghiệm trên động vật và trong ống nghiệm.
Khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng curcumin điều trị ung thư là cơ thể con người không thể hấp thu với số lượng đáng kể. Các nhà dược học đang cố gắng vượt qua trở ngại này. Nhưng cho đến khi họ thành công, cả củ nghệ và curcumin đều chưa từng được sử dụng để điều trị ung thư.
4. Giúp nâng cao sức khoẻ
Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Y học Lâm sàng cho thấy các chỉ số sức khỏe của tim được cải thiện ở những tình nguyện viên khoẻ mạnh tham gia nghiên cứu, điểm chung của họ là đều tiêu thụ từ 80 đến 4.000 mg curcumin mỗi ngày.
Đồng thời lượng chất béo trong máu, lượng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL ở những người này cũng đồng loạt giảm.
Dù sử dụng đến 4000 mg curcumin một ngày là rất nhiều nhưng hiện chưa có tác dụng phụ nào liên quan đến hợp chất này được ghi nhận. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng curcumin vì nó có thể làm loãng máu và ngăn ngừa đông máu.
5. Giảm bớt trầm cảm và thúc đẩy chức năng não
Theo kết quả của một nghiên cứu vào năm 2018 được công bố trên Tạp chí Hóa học Y tế Châu Âu, tiêu thụ 500 đến 1000mg curcumin mỗi ngày trong ít nhất 6 tuần sẽ cải thiện các triệu chứng trầm cảm và giảm lo lắng trong nhiều thử nghiệm lâm sàng.
Song song với đó, các nhà khoa học cũng nghiên cứu xem liệu curcumin có khả năng điều trị hoặc ngăn ngừa sự phát triển của các rối loạn thoái hóa thần kinh suy nhược như bệnh Alzheimer hay không.
Đánh giá công bố trên biên niên sử của Viện Hàn lâm Thần kinh học Ấn Độ vào năm 2008 viết rằng, curcumin có thể có hiệu quả trong việc quản lý các yếu tố có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh Alzheimer.
Chúng bao gồm viêm, căng thẳng oxy hóa và sự hình thành các protein beta-amyloid - sự tích tụ của các sợi nhỏ bên ngoài tế bào não.
6. Nghệ bồi dưỡng giúp làn da khoẻ mạnh
Nhờ vào đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, curcumin có trong nghệ thậm chí có thể cải thiện vẻ ngoài của làn da.
Một đánh giá y khoa được công bố trên tạp chí Advances in Experimental Medicine and Biology vào năm 2007 cho thấy, curcumin cũng có đặc tính chữa lành vết thương, có thể là một thành phần điều trị tốt cho các bệnh về da như bạch biến, bệnh vẩy nến và các bệnh chàm khác.
Thuốc bổ và thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa curcumin làm giảm thời gian lành vết thương trên da, cải thiện sự phân bổ collagen - loại protein mang lại độ đàn hồi cho da - và đẩy mạnh sự phát triển của các mạch máu mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận