Hồ sơ tài liệu

Loại Nga khỏi G8, EU lo tác động ngược

26/03/2014, 06:46

Lãnh đạo nhóm G7 tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Nga sau hành động sáp nhập Crimea, chuyển hội nghị từ Sochi sang Brussels (Bỉ) mà không có Nga.

Tổng thống V. Putin ký thông qua việc sáp nhập Crimea
Tổng thống V. Putin ký thông qua việc sáp nhập Crimea

G8... đến lúc tan rã


Lãnh đạo nhóm G7 gồm: Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ và chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Tuyên bố Hague đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại G8. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cho biết, các nhà lãnh đạo nhóm đã thống nhất sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh của G8 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2014 tại Sochi (Nga) và chuyển địa điểm tổ chức Hội nghị G7 (không có Nga) sang Brussels (Bỉ) vào cùng thời gian. G7 cũng khuyến cáo các ngoại trưởng của nhóm không tham dự cuộc họp tại Moscow vào tháng Tư và cảnh báo sẵn sàng tăng cường trừng phạt kinh tế Nga.  
 

Hôm qua (25/3), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố sẽ viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: “Vào thời điểm khó khăn, Ukraine cần tới sự giúp đỡ tài chính của Nhật Bản. Tuy nhiên, gói hỗ trợ nói trên kèm theo điều kiện chính phủ Ukraine đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về những cải cách kinh tế và ở dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp”.

Trước lo ngại lệnh trừng phạt có thể tác động ngược trở lại phương Tây trong khi Nga đang kiểm soát nguồn cung khí đốt cho châu Âu, lãnh đạo G7 cho biết sẽ nhóm họp các Bộ trưởng năng lượng để thảo luận vấn đề an ninh năng lượng chung.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: “G8 không phải một diễn đàn chính thống, không ai cấp thẻ thành viên cũng không ai có thể khai trừ thành viên. Nếu phương Tây cho rằng mô hình này đến lúc tan rã, thì điều đó không thể tránh khỏi. Nga không bám vào định dạng G8” và “không tìm cách duy trì G8 khi có thể thảo luận các vấn đề lớn của quốc tế tại các diễn đàn khác như: G20, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Phản ứng của các nước châu Á


Tuy nhiên, ở châu Á, nhiều nước đã không tham gia việc trừng phạt Nga ngay lập tức. Theo NHK, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Điều này có nghĩa, dù Tokyo và Moscow chưa ký kết hiệp ước hòa bình và chưa giải quyết vấn đề lãnh thổ, nhưng Nhật Bản vẫn không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi “kiềm chế Nga”. 


Đang trong chuyến công du châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh với Tổng thống Obama trong cuộc hội đàm riêng rằng, Trung Quốc luôn giữ một “thái độ khách quan” về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời kêu gọi khẩn trương thiết lập một cơ chế điều phối quốc tế, hối thúc tất cả các bên không có thêm bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình. Trung Quốc cũng không bày tỏ ủng hộ các biện pháp trừng phạt và cho rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua mới được coi là hợp pháp. 


Còn Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận chính sách trừng phạt nhằm vào Nga theo kiểu Chiến tranh lạnh. Tờ Times of India dẫn nguồn tin chính phủ cho biết, New Delhi sẽ không ủng hộ các biện pháp của phương Tây gây áp lực đối với Nga vì theo nguyên tắc, nước này không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon còn khẳng định Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine.


Ngọc Tiến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.