Nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng của tinh chất mầm đậu nành |
Loạn giá tinh chất mầm đậu nành
Tại một nhà thuốc nằm trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), khi được hỏi về sản phẩm có chứa tinh chất đậu nành, một nhân viên bán hàng hồ hởi giới thiệu từ hàng sản xuất trong nước đến hàng nhập khẩu. Theo đó, tinh chất mầm đậu nành isoflavones còn được mệnh danh là estrogen thảo mộc có vai trò bổ sung nội tiết tố nữ estrogen.
“Sản phẩm có chứa tinh chất đậu nành sẽ giúp cải thiện các triệu chứng do thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở phụ nữ như: Khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, tích mỡ bụng, xuống sắc, bốc hỏa, mất ngủ, loãng xương. Hạn chế lão hóa, giảm nếp nhăn trên da, chống nám, giúp da căng đẹp mịn màng, sắc mặt hồng hào, tươi nhuận, cải thiện khá rõ kích cỡ vòng 1. Khá nhiều khách hàng nữ mới chỉ ngoài 35 cũng đã tìm mua các sản phẩm này đấy”, người bán hàng quảng cáo.
Cùng được chiết xuất từ tinh chất mầm đậu nành nhưng giá bán theo các nhà sản xuất niêm yết lại có sự chênh nhau đáng kể. Cụ thể, Thực phẩm chức năng Soy isoflavones (Mỹ) có giá 400 nghìn đồng/hộp; Sắc Ngọc Khang giá 190 nghìn đồng/hộp; Navasoy 300 nghìn đồng/hộp; Viên uống Bảo Xuân 140 nghìn đồng/hộp loại thường và Bảo Xuân 50+ lại có giá 175 nghìn đồng/hộp…
Trên các trang web trực tuyến, tinh bột mầm đậu nành nguyên chất với giá từ 300 - 450 nghìn đồng/100g. Trên một website, để tăng thêm uy tín, chủ nhân mở đầu: “Vì mình là dược sỹ nên mình có người quen trong nhà máy sản xuất dược, nên các mẹ yên tâm chất lượng. Đảm bảo đây là tinh chất mầm đậu nành có xuất xứ từ nhà máy Dược có giấy kiểm nghiệm hẳn hoi”. Lời quảng cáo cũng hút khách không kém: “Dùng sau 1 tháng sẽ thấy da mặt sáng và mịn dần lên, giảm hẳn mụn trứng cá; Dịch tiết âm đạo tăng, tăng cường sinh lý nữ. Sau 2 tháng sử dụng sẽ thấy cơ thể khoẻ mạnh, nữ tính, da dẻ hồng hào, giảm thâm nám, tóc khoẻ và mượt hơn, kinh nguyệt đều đặn, kích cỡ vòng 1 bắt đầu cải thiện...”.
Chưa rõ lợi hay hại?
Mới đây, trên website của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đăng tải kết quả khảo sát tác dụng của chất genistein, một chất có trong mầm đậu nành được xác định là tác nhân gây ung thư vú và một hỗn hợp isoflavones đậu nành, trên bệnh nhân ung thư vú có di căn trong xương, bằng cách dùng mẫu ung thư thực nghiệm tế bào xử lý ở chuột. Tiên lượng tế bào vào xương chày của chuột để gây ra u nhỏ trong xương. Isoflavones đậu nành được bổ sung trong chế độ ăn liều 750 mg/kg và được bổ sung suốt 3 tuần trước và 3 tuần sau khi tiêm tế bào. Kết quả cho thấy, isoflavones đậu nành làm tăng trưởng di căn vi thể trong xương từ ngày thứ 8. Nghiên cứu cũng cho thấy, chế độ ăn có tinh chất mầm đậu nành kích thích sự hình thành di căn phổi và tăng biểu hiện protein trong những bướu di căn này...
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quốc Kinh, Viện trưởng Viện TPCN cho biết, từ trước đến nay, hoạt chất trong mầm đậu nành được nhận định có nhiều tác dụng đối với chị em phụ nữ trong việc cân bằng thiếu hụt nội tiết tố. Hoạt chất này cũng đã có mặt trong cuốn Dược liệu Mỹ năm 2015 là TPCN, được ghi nhận là một hoạt chất an toàn, không phản ứng phụ. “Không chỉ giúp chị em mà tinh chất mầm đậu nành có tác dụng trong hỗ trợ điều trị phình đại tuyến tiền liệt ở nam giới”, ông Quốc Kinh cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo TS. Phan Liêm, Trung tâm ung thư Anderson MD (Mỹ), hiện vẫn chưa có đủ cơ sở khoa học để kết luận đậu nành có hại hay có lợi cho cơ thể. Bởi thực tế các nghiên cứu đã làm còn sơ sài và chưa đủ bằng chứng và dữ liệu khoa học để kết luận chính xác. “Nghiên cứu được công bố trên FDA cũng mới chỉ tiến hành trên chuột. Theo tôi nghĩ, cần có các nghiên cứu lâm sàng và khảo sát lâu dài trên người thì mới có thể kết luận chính xác”.
Đồng quan điểm, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể chi tiết nào về tinh chất trong mầm đậu nành. “Tuy nhiên, dù là bất kỳ sản phẩm gì nếu không sử dụng với liều dùng hợp lý hay không rõ nguồn gốc sản phẩm thì cũng đều có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng”, ông Hưng khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận