Loạt bến bãi khủng trên hành lang đê
Từ phản ánh của bạn đọc, những ngày đầu tháng 6/2024, PV Báo Giao thông có mặt tại tuyến đê tả Trà Lý thuộc địa bàn xã Đông Dương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) và ghi nhận, chỉ hơn 1km theo chiều dài đê, có tới 5 bãi tập kết vật liệu xây dựng đang hoạt động rầm rộ ven sông.
Theo quan sát, trong 5 bãi tập kết vật liệu này thì có 2 bãi có diện tích khá rộng, kéo dài từ mép sông Trà Lý vào chân đê tả Trà Lý, 3 bãi có bề rộng chỉ hơn 10m tính từ chân đê ra mép sông. Các bãi đều có nhà điều hành, trông coi bảo vệ, có lán để xe ô tô, điện chiếu sáng...
Bên trong bãi được các chủ bến chất nhiều loại vật liệu xây dựng như gạch chỉ đỏ, cát vàng, cát đen, than, đá dăm các loại… Tất cả đều được chất cao như núi từ chân đê ra tới mép sông.
Một số nhà điều hành cùng nhiều máy móc, thiết bị như máy múc, cẩu trục... để phục vụ kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất, đúc cọc bê tông.
Đáng nói, các bến bãi này mở dốc đấu nối trái phép, trực tiếp vào thân đê tả Trà Lý, nhiều xe tải, xe tự chế vận chuyển vật liệu ra vào bãi nườm nượp gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho tuyến đê.
Clip: Xe tải vào bến bãi trái phép trên hành lang đê tả Trà Lý thuộc địa bàn xã Đông Dương, huyện Đông Hưng "ăn" hàng rồi ì ạch rời bến, đi trên đê có tải trọng tối đa cho phép 12 tấn.
Đặc biệt, vị trí phía ngoài các bãi được lắp đặt gần chục chiếc cẩu tự chế để vận chuyển vật liệu từ các tàu lên bãi, lắp đặt nhiều mố trụ cẩu dùng cho loại cẩu xúc chuyên dụng chuyển tải vật liệu từ các tàu vào bến tập kết.
Việc xây dựng mố trụ cầu gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn bờ kè, hành lang an toàn đê sông Trà Lý, cản trở dòng chảy của sông và ảnh hưởng tới an toàn giao thông thủy.
Tại thời điểm PV ghi nhận, một chiếc xe ô tô tải biển số 20C-029.20 được một chiếc cẩu xúc chất đầy hàng là cát vàng từ một chiếc tàu vỏ sắt lên xe. Khi đầy có ngọn chiếc xe này được tài xế che đậy sơ sài, từ trong bến ì ạch di chuyển lên đường đê tả Trà Lý có tải trọng cho phép 12 tấn.
Theo quan sát, chiếc xe này khi di chuyển làm rơi vãi vật liệu xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một người dân địa phương cho biết, tình trạng này đã diễn ra cả chục năm nay.
"Mỗi khi có gió lớn, cát bay gây cản trở tầm nhìn, máy móc, xe chở vật liệu ra vào bến bãi khiến mặt đường đê vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn, rất nguy hiểm", người này nói.
Khó khăn trong việc xử lý bến bãi trái phép?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Đông Dương cho biết, việc tồn tại 5 bãi tập kết vật liệu trái phép như người dân và Báo Giao thông phản ánh là đúng.
Các bến bãi này đều là trái phép, do người dân tự lập lên từ rất nhiều năm nay, chủ yếu trên phần đất nông nghiệp của xã đã giao cho người dân địa phương sử dụng. Tuy nhiên, các chủ bãi mua gom rồi chuyển đổi thành các bến bãi tập kết vật liệu.
Cũng theo ông Tân, trong quy hoạch xã có một bến bãi tập kết vật liệu để phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng cho người dân địa phương. Một số chủ bến đã làm hồ sơ xin các cấp phê duyệt, cấp phép bến bãi nhưng đến nay chưa được phê duyệt.
Hiện nay các bến bãi này đều hoạt động không phép và để đảm bảo cho an toàn hành lang đê thoát lũ, địa phương đã nhiều lần phối hợp với Hạt Quản lý đê điều huyện tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm, ra quyết định xử phạt tiền đối với các chủ bãi vi phạm.
Tuy nhiên, các hộ vẫn chây ì, không chịu giải tỏa, hoàn trả lại mặt bằng. Phía xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Đông Hưng để xin ý kiến chỉ đạo và có hướng xử lý phù hợp.
"Diện tích phần đất bãi ngoài đê tả Trà Lý thuộc địa bàn xã Đông Dương quản lý trước kia là đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) giao cho các hộ gia đình sản xuất, sau đó hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng tự phát dần hình thành. Phía xã gặp khó khăn trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm vì vượt quá thẩm quyền", ông Tân cho biết.
Một cán bộ Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng cho biết, đơn vị quản lý trực tiếp hành lang an toàn đê tả sông Trà Lý, hàng năm đơn vị vẫn lập biên bản vi phạm đối với các chủ bến bãi, yêu cầu phải thu dỡ, giải tỏa bến vật liệu trái phép trên hành lang đê tả sông Trà Lý.
Tuy nhiên, các chủ bến bãi đều nêu lý do là các hộ kinh doanh tự phát, đầu tư số tiền lớn vào thửa đất và hiện trạng thì còn vật liệu nhiều tại bến chưa thể di chuyển vì chưa tìm được vị trí phù hợp. Do đó, đến nay trên tuyến vẫn tồn tại các bến bãi không phép như trên.
"Hàng năm chúng tôi vẫn phối hợp với UBND xã Đông Dương tiến hành lập biên bản vi phạm đối với các chủ bến bãi và đã có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền để sớm có biện pháp mạnh xử lý dứt điểm tình trạng bến bãi không phép gây ảnh hưởng, mất an toàn tuyến đê trên địa bàn", vị cán bộ Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận