Bảng thông tin điểm đầu tuyến buýt 90 nằm ở vị trí hành khách rất khó quan sát tại khu vực nhà ga Cát Linh
Thời gian qua, nhiều người dân đi xe buýt số 90 (Kim Mã - cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài, Hà Nội) tỏ ra khá bức xúc khi phải mỏi mắt đi tìm điểm đầu bến trong khu vực nội thành để tiếp cận tuyến buýt.
Theo phản ánh, nguyên nhân của tình trạng trên là do biển báo điểm đầu bến của tuyến xe buýt này tại khu vực ga đường sắt Cát Linh cách điểm dừng xe đỗ tới 70 - 80m. Nếu không quan sát kỹ, người đi đường khó có thể nhận ra biển thông tin đầu bến.
Sáng 5/1, trực tiếp có mặt tại điểm đầu tuyến buýt số 90, TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia Jica, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cũng thừa nhận, với vị trí dựng biển như hiện nay, nếu không phải là khách quen của tuyến buýt, hành khách sẽ rất hoang mang khi xe chưa đến, xung quanh cũng ít có người để hỏi.
Trước đó, cuối tháng 11/2020, thông tin tới Báo Giao thông, một độc giả cũng phản ánh tình trạng bố trí biển thông báo điểm đầu (cuối) tại công viên Nghĩa Đô cũng rất bất hợp lý, gây khó khăn cho hành khách trong việc tìm hiểu các tuyến buýt, đặc biệt là các hành khách lớn tuổi.
Cụ thể, độc giả này cho biết, sau một khoảng thời gian dài không đi xe buýt, ngày 26/11, có việc cần sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng (tuyến buýt số 39), khi tiếp cận điểm chờ tại công viên Nghĩa Đô thì không biết điểm này có những tuyến buýt nào đi qua vì không thấy cái biển “xanh xanh” cắm lề đường như những chỗ khác.
Sau một hồi loay hoay, người này mới được một số sinh viên khác chỉ lên tấm biển vàng rộng hàng mét cũ kỹ cách đó vài bước chân. “Thế nhưng, việc theo dõi tiếp tục gặp khó khi trên biển dày đặc những dòng chữ cỡ nhỏ, hoen ố, người lớn tuổi phải căng mắt mới tìm được thông tin tuyến buýt mình đi. Có biển báo nhưng không khác gì đánh đố hành khách”, bạn đọc này nhớ lại.
TS. Phan Lê Bình cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải rà soát lại tất cả các điểm chờ xe buýt, đặc biệt là hệ thống điểm đầu cuối, bảng biển thông tin nào đã xuống cấp hoặc dựng ở vị trí bất hợp lý cần được điều chỉnh lại.
“Tại các điểm đầu - cuối của tuyến buýt, ngoài biển báo thông tin tổng quan, cơ quan chức năng cũng cần bố trí các biển báo phụ gần nhà chờ, dễ quan sát để tạo thuận lợi cho hành khách”, TS. Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận