Sau cơn mưa, rau dại ở một số vùng nông thôn Trung Quốc bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Trong số nhiều loại rau dại, có một loại là chồi non của cây gai góc được coi là "lộc trời". Nếu hái không cẩn thận có thể dễ dàng bị gai đâm chảy máu.
Loài rau dại này phân bố chủ yếu ở khu vực Quảng Đông, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Bắc, Hà Nam, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Cam Túc… Người dân ở đây gọi chúng là chồi gai và hái phần mầm xanh để chế biến thành món ăn hấp dẫn. Chồi gai không mọc quanh năm, vào mùa xuân thì mới thấy chúng xuất hiện.
Do môi trường sinh trưởng của chúng rất khắc nghiệt, thường mọc ở trên sườn núi cao 250-1.000m so với mực nước biển, nơi đất đai cằn cỗi, chỉ khi thời tiết ấm áp và ẩm ướt, loài cây này mới nảy chồi ra những mầm xanh.
Chồi gai thường mọc trên những cây gai cao từ 1,5-3,5m, lá hình bầu dục, có răng cưa, hoa màu vàng nhạt, đường kính không lớn lắm. Trong điều kiện thời tiết thích hợp, cây gai sẽ ra nụ vào tháng 6-8 và nở hoa vào tháng 9-10.
Với sự gia tăng về nhu cầu thưởng thức loại chồi gai này, người ta bắt đầu canh tác nhân tạo. Điều này dẫn tới giá của chúng bắt đầu ổn định và không còn đắt đỏ như trước nữa. Tuy nhiên, so với những loại rau dại khác, chồi gai vẫn có giá thành cao hơn. Trong những năm gần đây, giá mỗi ký chồi gai dao động từ 5.000-10.000 tệ (16 triệu đến 33 triệu đồng/kg).
Mặc dù người ta có thể trồng ra chúng nhưng vào mùa xuân, người dân ở các vùng nông thôn lại háo hức lên núi để thu hoạch. Là một loại rau dại tự nhiên, chồi gai có vị tươi mát, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận