Mẫu xe buýt điện của VinFast vừa xuất hiện hình ảnh chạy thử ở khu nội bộ của nhà máy. Đây là mẫu ô tô điện đầu tiên của hãng xe Việt được lộ diện hoàn chỉnh
Nhiều ưu điểm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Thuyên, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua việc đưa xe điện vào khai thác vận tải đã thực sự là cú hích cho sự thay đổi cách thức phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Thuyên cho rằng, ngoài việc sử dụng xe điện cho vận tải hành khách công cộng trong nội đô, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích phát triển xe điện cho vận tải hành khách liên tỉnh, cả cho tuyến cố định và không cố định.
Để làm được việc này, cần có chính sách xã hội hóa, khuyến khích các chủ doanh nghiệp vận tải sử dụng xe điện trong hoạt động kinh doanh vận tải; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc tại trạm dừng nghỉ, bến xe và các điểm dừng tâp trung khác.
Cũng theo ông Thuyên, trong bối cảnh ô nhiễm không khí, bụi mịn tại Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, xe điện được cho là một giải pháp đột phá do không phát thải và sử dụng điện thay vì xăng dầu.
Đây là loại phương tiện được xác định là nhân tố chính góp phần giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, cắt giảm phát thải khí nhà kính nói chung, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Trở ngại chính cho việc phát triển ô tô điện là giá thành xe ban đầu và thời gian khả dụng giữa hai lần sạc của pin. Tuy nhiên, ông Thuyên cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ như vũ bão trong thời gian gần đây cho thấy những dấu hiệu tích cực.
Theo báo cáo gần đây của hãng xe điện Proterra của Hoa Kỳ, một lần sạc cho xe buýt có thể và chạy được 650km và giá thành càng ngày càng phù hợp hơn với thị trường.
Làm gì để hiệu quả?
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), trong cấp phép vận tải hành khách, xe chạy bằng động cơ gì không phải là yếu tố quan trọng. Việc sử dụng loại phương tiện động cơ có gì do doanh nghiệp vận tải quyết định. Hiện nay, trong quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải không có quy định nào hạn chế xe ô tô điện.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, xu thế là sẽ chuyển dần từ xe xăng sang xe điện. Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho một số bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi để phát triển phương tiện xe chạy bằng điện.
Tuy nhiên, xe điện đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn ô tô điện có giá rất đắt, hơn nhiều lần đối với xe chạy xăng. Để loại phương tiện này hoạt động cần có nhiều yếu tố liên quan đến công nghệ và hạ tầng kèm theo như trạm sạc pin. Bên cạnh đó, cũng cần có hệ thống bảo trì, bảo dưỡng đồng bộ đi kèm.
“Một số nước phát triển loại phương tiện này chỉ để chạy trong đô thị có cự ly ngắn. Tại Việt Nam hiện cũng đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư như Vinfast đang thí điểm một số tuyến buýt cố định ở Hà Nội và TP HCM. Vướng mắc hiện nay chủ yếu liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật để tính toán chi phí đấu thầu. Bộ GTVT đang nghiên cứu để xây dựng định mức khung cho loại phương tiện này hoạt động”, ông Tiến cho biết.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, hiện có nhiều kiểu loại xe điện 4 bốn bánh chở người đã được cấp chứng nhận đăng kiểm, phổ biến là xe điện hoạt động trong phạm vi giao thông hạn chế tại các khu tham quan, du lịch hoặc sân golf, khu vực giao thông nội bộ.
Vừa qua, một số đơn vị đề xuất về việc dùng xe khách chạy điện để làm xe buýt, tuy vậy đến nay chưa có trường hợp xe điện nào có kích thước, hình dáng lớn như xe khách, xe buýt được cấp chứng nhận đăng kiểm để lưu thông.
“Xe ô tô chạy bằng điện chỉ khác xe chạy bằng nhiên liệu khác (như xăng, dầu, khí CNG) về động cơ của phương tiện. Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu để đề xuất bổ sung các nội dung đặc thù của xe điện”, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cũng theo ông Khanh, trường hợp xe ô tô điện đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành sẽ không gặp vướng mắc gì. Tuy vậy, để tổ chức các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô khách điện còn liên quan đến hạ tầng cung cấp năng lượng điện (trạm sạc điện).
Theo TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, xe điện giúp cải thiện an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng xe ô tô điện chở khách liên tỉnh phải đáp ứng được theo quy chuẩn của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải thiết kế hạ tầng dọc tuyến một cách hợp lý như các điểm sạc pin hay có phương án cứu hộ xe bị trục trặc giữa đường.
TP HCM kiến nghị cho xe buýt điện hoạt động
Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ một số vướng mắc về việc mở mới 5 tuyến buýt điện trên địa bàn.
Để có cơ sở triển khai, Sở GTVT đề nghị UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP HCM đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG đang hoạt động để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt điện.
Thời gian thí điểm dự kiến là 24 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động. Sau thời gian thí điểm, TP HCM sẽ tổng kết, đánh giá làm cơ sở để chuẩn bị các bước tiếp theo trong việc triển khai đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.
Nhiều nước vận tải khách công cộng bằng xe điện
Tại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2018, tổng số xe buýt điện đưa vào vận hành lên tới trên 421.000 chiếc; thành phố Thẩm Quyến sử dụng 100% xe điện trong vận tải hành khách công cộng, trong khi ở Bắc Kinh và Thượng Hải, tỷ lệ sử dụng xe buýt điện đã đạt trên 80%. Xe buýt điện ngày càng phổ biến tại các tỉnh, thành phố tại Trung Quốc.
Châu Âu đứng thứ 2 trong các quốc gia sử dụng xe điện với 2.250 chiếc, con số xe điện được sử dụng sẽ ngày càng tăng khi một số nước châu Âu như Hà Lan đưa ra mục tiêu chuyển đổi và sử dụng 100% xe điện (cả xe buýt, xe khách công cộng và xe ô tô cá nhân) vào năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận