Quản lý

Lợi gì nếu giao mỏ vật liệu cho nhà thầu làm cao tốc Bắc- Nam?

Nếu giao mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu quản lý, tiến độ dự án sẽ được đảm bảo, chi phí cũng giảm đáng kể so với việc bán đấu giá...

Vấn đề còn lại là cơ chế giao thế nào, quy định pháp luật hiện nay đã đầy đủ hay chưa?

Tránh bị “thổi giá”, rút ngắn thời gian

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

img

Theo dự thảo của Bộ TN&MT, nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh này được phép đăng ký khai thác mỏ đã xác định trong hồ sơ dự án nằm trên địa bàn tỉnh khác (Trong ảnh: Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt). Ảnh: Văn Thanh

Cùng với cơ chế chỉ định thầu, Nghị quyết nêu rõ, đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, thiết bị và kế hoạch khai thác, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định.

Là một trong những doanh nghiệp thi công nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Phó tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Hữu Tới cho rằng, cơ chế đặc thù giao mỏ vật liệu cho nhà thầu là vô cùng cần thiết. Khi nhà thầu trực tiếp quản lý khai thác mỏ, vật liệu sẽ giảm đáng kể chi phí, trong khi để tư nhân khai thác giá có thể bị “thổi” lên gấp đôi.

Một lãnh đạo Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành cũng cho biết: “Thực tế, triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã lộ rõ bất cập khi không riêng Phương Thành mà rất nhiều nhà thầu khác phải đi mua vật liệu với giá cao gấp 4 - 5 lần để đáp ứng được hợp đồng”.

Theo đại diện Ban QLDA 2, Bộ GTVT, theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định hướng dẫn liên quan, thời gian cho thủ tục cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mất từ 15 - 18 tháng.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, việc áp dụng hai Nghị quyết 60 và 133 của Chính phủ đã rút ngắn được thời gian cấp phép mới và nâng công suất khai thác. Song, đối với thủ tục cấp mỏ mới, thời gian thực hiện vẫn còn khoảng 8 tháng.

Cơ chế đặc thù sẽ rút gọn được một số thủ tục không phải thực hiện, như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đấu giá quyền khai thác; lập đề án, cấp giấy phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập dự án đầu tư; cấp giấy phép khai thác. Thời gian thực hiện từ 15 - 18 tháng (theo quy định của Luật Khoáng sản) sẽ giảm còn khoảng 3,5 tháng.

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, theo quy định hiện hành, các mỏ vật liệu khi đưa vào khai thác phải nằm trong quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng của địa phương và phải được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Đối với các mỏ vật liệu không nằm trong quy hoạch, phải được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch mới được triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Trong chuyến kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm đầu năm mới Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu một số địa phương như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… giao mỏ cát cho các chủ đầu tư thực hiện dự án cao tốc, không giao cho tư nhân. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc này.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, hiện tỉnh chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào của các đơn vị có nhu cầu. Nếu có, Sở sẽ triển khai các bước để tham mưu cho tỉnh giao mỏ đúng quy định.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT An Giang cũng cho biết, hiện tỉnh đã có sẵn cát, không cần phải làm các thủ tục. Nếu các nhà thầu có nhu cầu sẽ được đáp ứng ngay.


Hiện nay, trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn dựa vào quy hoạch mỏ vật liệu của địa phương tiến hành điều tra sơ bộ về trữ lượng, chất lượng và giá thành để đưa vào dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào các chủ mỏ nên dễ xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, dẫn đến nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ông Tiến cho biết, vấn đề về mỏ vật liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật Khoáng sản, Môi trường, Xây dựng, Đất đai... nên cấp phép không đơn giản.

Vì vậy, các Bộ, ngành, đơn vị chức năng cần đưa vào đề án trình Quốc hội cho phép đưa vào hạng mục xây lắp khác của dự án và bàn giao cho đơn vị thi công để khai thác.

Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Luật đã quy định rồi, nếu muốn giải quyết thì phải từ Trung ương. Với Quảng Bình, tỉnh sẽ tiến hành rà soát tất cả các quy hoạch để đảm bảo đủ nguồn cung cho các dự án, đặc biệt là 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình”.

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ GTVT, các Bộ liên quan đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Trong đó, có cơ chế cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trực tiếp cho nhà thầu thi công dự án đối với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, nhằm rút ngắn tối đa thời gian, thủ tục khi khai thác.

“Hiện Bộ đã dự thảo văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để lấy ý kiến các Bộ GTVT, Xây dựng, NN&PTNT, Tư pháp trước khi ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc và những bất cập trong việc cấp phép các mỏ vật liệu cho dự án đường cao tốc thời gian qua”, vị này cho biết.

Theo dự thảo, UBND các tỉnh, TP: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau chủ động phối hợp với Bộ GTVT để yêu cầu các BQL dự án cung cấp thông tin về nhà thầu thi công đã được lựa chọn; các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án cao tốc trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan rà soát thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác tại các mỏ đã hoặc chưa cấp phép thăm dò, khai thác; hướng dẫn nhà thầu thi công thực hiện lập hồ sơ đăng ký khu vực, khối lượng, phương pháp, kế hoạch khai thác, hoàn thành việc xác nhận trước ngày 31/12/2023.

Thời gian được khai thác đến khi cung cấp đủ khối lượng khoáng sản theo nhu cầu dự án thành phần có liên quan.

Nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh này được phép đăng ký khai thác mỏ đã xác định trong hồ sơ dự án nằm trên địa bàn tỉnh khác.

Sau khi nhà thầu thi công đã khai thác đủ khối lượng xác định trong dự án thành phần, các Sở, ngành có liên quan yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định.

Kỳ 1: Nhà thầu gặp khó, chủ mỏ “ăn dày”

Được giao mỏ, tự tin về tiến độ

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết, tổng khối lượng đắp nền đường cho dự án vào khoảng 6,33 triệu m3, trong đó vật liệu đất đắp lấy tại mỏ 5,56 triệu m3. Theo tính toán, trữ lượng vẫn thiếu gần 4,7 triệu m3 đất san lấp.

Hiện địa phương đang gấp rút hoàn thiện việc cấp phép khai thác cho 13 mỏ (tổng trữ lượng 5,34 triệu m3) và nâng công suất khai thác 4 mỏ với tổng công suất khai thác cần nâng thêm là 0,6 triệu m3/năm. “Hiện tất cả các mỏ được giao lại cho chủ đầu tư, giúp chúng tôi chủ động trong việc điều phối, đảm bảo hoàn thành công trình đúng kế hoạch hoặc sớm tiến độ”, ông Huy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.