Đó là lớp học của những thầy cô giáo già tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lớp học đã duy trì trong nhiều năm bằng tất cả tình yêu thương…
Lớp học của yêu thương
Con đường bê tông dẫn ngôi trường dành cho những đứa trẻ khuyết tật ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, hai bên cây cỏ xanh tốt, những khóm hoa đang thì thầm với sắc xuân.
Nói ngôi trường cho sang, thực ra đấy là một dãy nhà cấp 4 cũ được xây dựng và sử dụng nhiều năm trước.
Thấy điểm công trình bỏ hoang lãng phí, các thầy giáo về hưu ở địa phương đã đề nghị dựng điểm trường học dạy con chữ, rèn cái nết cho những đứa trẻ khuyết tật.
Khi nghe những ông giáo trình bày ý tưởng, chính quyền xã Tịnh Thọ đã gật đầu đồng ý. Đấy là vào năm 2011, và đến năm 2012 lớp học "đặc biệt" mang tên: Lớp học tình thương - Điểm dạy học sinh khuyết tật miễn phí ra đời.
Tính ra, đã 12 năm rồi lớp học tồn tại và hoạt động với những yêu thương vô bờ mà những người thầy, người cô dành cho lớp lớp những đứa trẻ không được may mắn về số phận.
Về hưu vào năm 2009, thầy Trần Đình Vương, mở lớp học tình thương và kêu gọi 18 thầy, cô giáo khác cùng tham gia. Họ đến với lớp học tình thương bằng cả lòng nhiệt huyết, tuy đây là nghề cũ, nhưng trách nhiệm lại vô cùng mới mẻ.
Thầy Vương chia sẻ: "Ngày đầu mở lớp các thầy cô rất vất vả từ công tác vận động đến sắp xếp trật tự, nề nếp. Lớp học đủ mọi lứa tuổi, nhỏ nhất 10 tuổi, lớn nhất trên 22 tuổi và tất cả học sinh đều… khuyết tật".
Trước khi đến lớp học, đa phần các em đều không biết đọc, không biết viết và hầu hết đều suy giảm trí nhớ.
Do đó, lớp học chỉ dạy 2 môn Toán, Tiếng Việt và những kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Có những phép tính, con chữ mà các thầy, cô giáo phải dạy đi, dạy lại cả tháng để các em nhớ.
Điều thầy, cô giáo ở lớp học tình thương mong đợi không phải là có bao nhiêu học sinh xuất sắc mà đôi khi chỉ là một chuyển biến nhỏ từ phía các em như: biết đọc, biết làm phép tính đơn giản, biết chào hỏi ông bà, cha mẹ, thầy cô, biết quét sân, rửa ấm chén, biết giữ gìn vệ sinh…
"Các em luôn ồn ào, trò dù bao nhiêu tuổi vẫn… không chịu lớn. Thầy cô giáo thay vì nghiêm khắc thì phải luôn ngọt ngào, dỗ dành các em để học trò tiếp tục theo học.
Thậm chí, các thầy cô phải bỏ qua cho những hành vi bất nhã, giận dữ của trò. Thầy cô giáo dù đã có kinh nghiệm giảng dạy nhưng cũng phải bối rối khi các em không biết phân biệt lúc nào học, lúc nào chơi", thầy Vương chia sẻ.
Trải qua 12 năm, lớp học tình thương do các thầy cô giáo về hưu lập ra đã và đưa nhiều "con đò" trưởng thành. Trong đó, có 9 em đã "tốt nghiệp ra trường" và có em đã đi làm công nhân, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Mong còn khỏe để tiếp tục đưa đò
Trong tiết trời xuân mới, chúng tôi đến ngôi trường đặc biệt khi các ông giáo đang ân cần chỉ bài cho những đứa trẻ. Có cu cậu nói không rõ chữ, tay cong vẹo nhưng thích… chạy nhảy. Văng vẳng bên tai là tiếng cười đùa vui vẻ của cả thầy và trò.
Phía bàn bên, hai cậu học trò khác miệng méo, tay đơ cứng không nói được mà chỉ ú ớ và dùng tay chỉ trỏ. Dẫu "ngôn ngữ" của các trò là một thế giới riêng, song dường như các ông giáo già lại hiểu một cách cặn kẽ.
Thầy Nguyễn Văn Hương, có 8 năm dạy học cho những học trò đặc biệt cho biết, ban đầu tiếp cận chỉ bài cho các con rất khó khăn. Bởi các con đều không biết đọc, biết viết. Có trường hợp khuyết tật đi đứng khó khăn… và khó nhất là các cháu bị câm bẩm sinh.
"Tiếp xúc với các con, dạy học và quan sát từng động tác, cử chỉ dần dà mình hiểu các con, các cháu. Thế nên, bây giờ nhìn cháu Quang chỉ tay là tôi biết cháu cần mình cầm tay chỉ viết bài. Rồi cháu Thái thì đưa đi… vệ sinh. Dạy cho các con, ở gần riết rồi mình thương các con các cháu như con cháu trong nhà", thầy Hương tâm sự.
Dù mái tóc đã ngả màu của tuổi già, song những thầy cô giáo đứng lớp ở ngôi trường đặc biệt này vẫn miệt mài cầm phấn, miệt mài cống hiến để những đứa trẻ kém may mắn về thể xác, tâm hồn được biết thêm nhiều con chữ.
Dù việc giảng dạy cực nhọc nhưng các thầy cô giáo đều không nhận bất kỳ khoản bồi dưỡng nào. Những ông giáo làng dạy học trò bằng cái tâm trong sáng của người thầy về hưu và bằng tấm lòng của người đưa đò tận tụy.
Thầy Trần Đình Vương bảo, dù có khó khăn gì cũng phải cố gắng. Mưa nắng, bão lụt gì thì kệ chứ đến ngày quy định là các thầy cô đều có mặt để dạy học trò mà không ngại khó khăn, không ngại gian khổ.
"Chỉ mong tôi còn sức khoẻ thì còn tiếp duy trì lớp. Duy trì đến lúc nào mình không làm nổi nữa thì sẽ chuyển giao cho thế hệ sau, mong có ai gánh vác. Chỉ sợ khi mình dừng lại các cháu sẽ buồn, những đứa trẻ vốn dĩ thiệt thòi lại mất đi cơ hội để được phát triển", thầy Vương nói.
Chúng tôi rời điểm trường đặc biệt cũng là lúc mùa xuân mới đang gõ cửa từng nhà. Vọng lại bên tai là tiếng cười đùa vui vẻ của những cô cậu học trò khuyết tật và thầy là những ông lão tuổi đã ngoài 70. Đâu đó, hiện lên hình ảnh thân thương, tận tụy của những ông giáo làng với học trò của mình…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận