Hạ tầng

Lựa chọn nhà thầu đặc biệt nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

14/05/2020, 15:45

Bộ KHĐT vừa có văn bản khẳng định sự cần thiết đầu tư nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

img
Hằn lún theo vệt bánh tàu bay tại khu bay Nội Bài

Nguy cơ đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng, việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất sớm thực hiện cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là có cơ sở.

Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, các đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không bị xuống cấp ngày càng nhanh, ảnh hưởng lớn tới an toàn khai thác, nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh.

Việc này có thể tạo ra vật thể lạ va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.

Mặt khác, thời điểm hiện nay tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn nhất là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Việc triển khai sớm công tác đầu tư dự án sẽ tranh thủ được giai đoạn thấp điểm hiện nay và sẽ tránh ảnh hưởng đến giao thông vận tải hàng không khi thị trường hàng không phục hồi trở lại sau đại dịch.

Lựa chọn nhà thầu đặc biệt

Về việc triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tại Nghị quyết số 41, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp".

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu cấp bách, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đặc thù, cấp bách nêu trên là phù hợp quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Đặc biệt, Nghị quyết số 41 cũng nêu rõ "Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp".

Do vậy, việc Bộ GTVT đề xuất triển khai thực hiện 2 dự án này theo lệnh khẩn cấp quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng và Điều 43 Nghị định số 59 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng là có cơ sở.

Cũng theo Bộ KHĐT, việc Bộ GTVT tự quyết định và chịu trách nhiệm về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng và hình thức quản lý dự án; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.

Trong mọi trường hợp, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu gói thầu.

Vốn cho Dự án phải được bố trí đúng quy định của pháp luật đầu tư công, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm tiết kiệm ngân sách nhà nước, hiệu quả, chất lượng, tiến độ, an ninh, an toàn và không gây thất thoát, lãng phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.