Bất động sản

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định rõ việc đánh thuế cao đất bỏ hoang

22/03/2023, 15:58

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quy định rõ việc đánh thuế cao với đất bỏ hoang để làm cơ sở thực hiện.

Lấy ý kiến còn mang tính hình thức

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo tổng kết lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, cơ quan này đã nhận được tổng số trên 8,3 triệu ý kiến góp ý. Các ý kiến góp ý tập trung cụ thể vào từng quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

img

Dự án Lideco, huyện Hoài Đức, Hà Nội bỏ hoang nhiều năm, lãng phí nguồn lực xã hội

Song, có ý kiến cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức. Nhóm ý kiến này đề nghị lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để có thêm thời gian tiếp thu, hoàn thiện.

Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18. Cụ thể như: "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang".

So với Luật Đất đai năm 2013, khoản 1, Điều 147 Dự thảo quy định, các khoản thu tài chính từ đất đai bổ sung thêm khoản thu mới là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích.

Đối chiếu những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 18 thì Dự thảo vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề là thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở…

Cơ quan này đề nghị, đưa vào Dự thảo Luật Đất đai các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm, xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng vào được dùng vào những việc gì? Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của Nhà nước.

Cùng với đó là những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư.

12 nhóm vấn đề của Dự thảo được quan tâm nhất

Theo chia sẻ của ông Đào Trung Chính, Phó Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi), qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, có thể thấy rằng các quy định nhận được quan tâm nhiều nhất đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Theo đó, 12 nhóm vấn đề được quan tâm nhất, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai.

Thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của mặt trận và thành viên của mặt trận, UBND cấp xã; phát triển quỹ đất.

Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Chính cho hay, các ý kiến góp ý đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật.

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội cũng như đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chia sẻ về những trăn trở liên quan đến tính giá đất sát thị trường, ông Chính cho biết, đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện cơ sở dữ liệu về giá đất còn mỏng. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ cân nhắc, xem xét quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật để các địa phương thuận lợi triển khai.

Về hội đồng định giá đất, có ý kiến cho rằng cần có sự độc lập hoàn toàn. Ông Chính chia sẻ, đây là hội đồng giúp việc của cơ quan ra quyết định về giá đất nên phải gắn yếu tố trách nhiệm.

Vì vậy, không thể độc lập hoàn toàn mà phải có sự tham gia của các cơ quan liên quan như quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tiếp thu để làm sao hội đồng có được nhiều ý kiến chuyên môn của chuyên gia. Ban Soạn thảo sẽ xem xét lại quy định về thành phần hội đồng, bên cạnh sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.