Ngày 28/9, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội phối hợp quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức diễn đàn “Giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”.
Ông Phạm Đình Toản - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, diễn đàn là dịp các chuyên gia và nhà nghiên cứu cùng nhau thảo luận về sự phát triển của giao thông Việt Nam, đặc biệt là dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
“Từ những ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ cung cấp thêm thông tin, tham khảo, cơ sở lý luận thực tiễn cho các đại biểu quốc hội, cơ quan thẩm tra xem xét, thảo luận luật Giao thông đường bộ sửa đổi và các văn bản pháp lý khác liên quan đến giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV”, ông Toản cho hay.
Bàn thêm về vấn đề nóng này, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, theo chỉ đạo của Chính Phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm 2 Luật mới: Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) giao Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
“Sau khi nghiên cứu 2 bản dự thảo lần 1,2 của 2 Luật trên, nhận thấy có nhiều điều trung lặp lại không đồng nhất về quy định, hoặc có nhiều điều dẫn chiếu sang. Như vậy, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo 2 Luật?!”, ông Thanh nói.
Ông Thanh lấy ví dụ về hệ thống báo hiệu đường bộ: Từ Luật giao thông đường bộ năm 2001, năm 2008 đều quy định: Quy chuẩn ký thuật quốc gia về Báo hiệu đường bộ do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành đồng bộ thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ. Nhưng tại Điều 7 Khoản 4 của Dự thảo Luật Bảo đảm ATGT đường bộ lại quy định: “Bộ trưởng Bộ công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống báo hiệu đường bộ”.
"Quan điểm của chúng tôi là không tách thành 2 Luật mà chỉ có 1 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Trong đó được phân công nhiệm vụ và quyền hạn thật rõ ràng cho Chính phủ và các Bộ, Ngành phải thực hiện tới từng Điều của Luật", ông Thanh nêu quan điểm.
Các đại biểu cũng góp ý kiến với Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bản dự thảo ngày 30/8) như: Hoạt động vận tải, thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và điều kiện hành nghề, công tác đảm bảo ATGT trong hoạt động vẫn tải bằng xe ô tô của đơn vị vận tải.
Ngoài ra, trong 2 ngày tổ chức, diễn đàn cũng sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề: Tổng quan các chính sách về giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay; Quy hoạch hạ tầng về giao thông đường bộ ở Việt Nam; Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận