Đòi bồi hoàn phí đào tạo
Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết vừa ban hành văn bản đề nghị 4 đơn vị y tế gồm: Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ làm thủ tục yêu cầu 5 bác sỹ hệ cử tuyển đang công tác tại đơn vị này đền bù kinh phí trước khi có đơn xin nghỉ việc.
Theo văn bản, 5 bác sĩ thuộc hệ cử tuyển đang công tác tại các cơ sở y tế trên đã có đơn xin nghỉ việc. Sở Y tế đã căn cứ vào tờ trình của của các trung tâm Y tế ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng đơn vị làm thủ tục, thông báo cho viên chức nộp tiền đền bù kinh phí đào tạo theo quy định vào ngân sách nhà nước và báo cáo về Sở Y tế biết để làm các thủ tục tiếp theo.
5 bác sỹ học hệ cử tuyển bao gồm: Đỗ Thị Huyền và Nguyễn Thị Ánh Vân công tác tại Bệnh viện Nhi; Bùi Thị Thúy Vân công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chư Prông; Lê Thị Bảo Trâm công tác tại Trung âm Y tế huyện Chư Sê; Rơ Châm Hà My công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.
Theo một cán bộ Sở Y tế Gia Lai, việc xử lý đối với trường hợp bác sỹ cử tuyển xin nghỉ việc đang được thực hiện theo quy trình. Trong đó, việc bồi hoàn áp dụng văn bản Nghị định 134/2006NĐ-CP (ban hành năm 2006) và văn bản Nghị định sửa đổi số 49/2015/NĐ-CP (2015) về việc quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
"Việc nhà nước bỏ kinh phí đưa anh đi học, nhưng anh không công tác trong ngành theo thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí là điều đương nhiên. Còn về việc giữ bằng là do trước đây tỉnh Gia Lai cử đi đào tạo và sau khi tốt nghiệp, nhà trường "gọi" Sở ra trao bằng nên bằng cấp vẫn giữ lại sở. Khi nào dứt điểm việc xử lý đền bù kinh phí đào tạo thì trả lại, chứ Sở cũng không giữ lại làm gì", cán bộ Sở Y tế Gia Lai nói.
Mệt mỏi vì bác sỹ cử tuyển xin nghỉ việc đồng loạt
Liên quan đến hàng loạt bác sỹ cử tuyển Gia Lai xin nghỉ việc, có trường hợp đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai là bác sỹ Đinh Hoàng Đức, công tác tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh Cột sống làm đơn xin nghỉ việc từ tháng 4/2019 nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Bác sỹ Đức đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ và Ban Tiếp công dân tỉnh Gia Lai đề nghị giải quyết việc xin nghỉ việc trong nhiều tháng liên tiếp.
Bác sỹ Đinh Hoàng Đức cho biết, trước đây tôi được học lớp Bác sỹ hệ cử tuyển do tỉnh Gia Lai cử đi đào tạo tại Học viện Quân Y thời gian đào tạo 2007-2013. Sau thời gian đào tạo, tôi được Sở Y tế giữ bằng cấp và mọi hồ sơ cá nhân trong quá trình đào tạo và cử đến công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai từ 2013 đến nay.
Tuy nhiên, tôi bị bệnh tim mạch và không thể thức quá nhiều để trực trong khi đó bệnh viện thiếu nhân lực nên buộc tôi phải gắng gượng. Cho đến thời gian gần đây, tôi đã không chịu nổi sức ép và môi trường không phù hợp, tôi lo sợ có thể gây sai sót cho bệnh nhân là một hậu hoạ khôn lường", bác sỹ Đức nói.
Bác sỹ Đức cho biết, trước khi đi học tôi đã có cam kết sẽ làm đủ 60 tháng sau khi ra trường theo Nghị định 134/2006. Tôi đã đủ thời gian công tác 60 tháng nhưng việc xử lý dứt điểm vẫn kéo dài. Nguyên do việc này là các cơ quan liên quan lúng túng trong xác định xử lý bác sỹ cử tuyển xin nghỉ việc được quy định tại nghị định 134/2006NĐ-CP và nghị định 49/2015/NĐ-CP (ban hành 15/5/2015).
Bác sỹ Đức cũng cho biết, bản thân rất mệt mỏi khi phải làm đơn xin nghỉ việc. Hai lần gửi đơn ở trụ sở Tiếp công dân của tỉnh, 1 lần gửi đơn kiến nghị ra Văn phòng Chính phủ. Mong mỏi của tôi là sớm được nghỉ việc mà sự việc cứ kéo dài khiến vô cùng mệt mỏi...
Liên quan đến khoản kinh phí bồi hoàn và việc giữ bằng đại học, một bác sỹ cho biết, việc giải quyết đơn xin nghỉ việc chậm và quan trọng nhất là việc giữ bằng Đại học và yêu cầu đền bù kinh phí trước khi nghỉ việc xử lý không dứt điểm khiến nhiều người rất băn khoăn. Nhất là việc áp dụng văn bản Nghị định 134/2006NĐ-CP và Văn bản số 49/2015/NĐ-CP trong tính chi phí bồi hoàn tiền ngân sách bỏ ra đào tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận