Xe dù lộng hành rất ngang nhiên và tồn tại từ lâu |
Có đến 6 lực lượng có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra, xử phạt xe dù, xe núp bóng hợp đồng vận chuyển khách như: TTGT, CSGT, Cảnh sát 113... nhưng vấn nạn xe dù quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chưa bao giờ bớt nhức nhối.
“Nóng” nhất về vấn nạn xe dù, bến cóc tại miền Bắc vẫn là khu vực Bến xe Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Xe dù lộng hành tại khu vực này rất ngang nhiên và tồn tại từ lâu, song việc kiểm tra, xử lý vẫn như “đá ném ao bèo”.
Xe dù hoạt động như chỗ không người
Khoảng 8h40 ngày 14/6, PV Báo Giao thông có mặt tại ngõ 8B, đường Tôn Thất Thuyết thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, ghi nhận xe khách 16 chỗ BKS 15B-005.53 trên kính xe ghi dòng chữ “Nhà xe Anh Dũng”, sau khi lưu thông trên đường Tôn Thất Thuyết thì rẽ vào đây, đến một bãi đất trống để trả khách. Sau khoảng 10 phút, xe khách rời đi, nhường chỗ cho một xe khác cũng của nhà xe Anh Dũng BKS 15B -004.11. Và chỉ 5- 7 phút sau, một xe khách loại 29 chỗ cũng của nhà xe này lưu thông từ đường Trần Thái Tông cũng ngang nhiên vào ngõ 8B để trả khách.
Qua tìm hiểu của PV, nhà xe Anh Dũng chạy tuyến Nam Sách (Hải Dương) - Hà Nội, không hề có luồng tuyến tại Bến xe Mỹ Đình nhưng hàng ngày vẫn cho xe hoạt động đón, trả khách tại địa điểm ngõ 8B Tôn Thất Thuyết như một bến cóc, nhưng không hiểu sao suốt thời gian dài, không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.
Tương tự, tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, thời gian gần đây mọc lên rất nhiều văn phòng, thậm chí cả nhà nghỉ mang tên nhà xe. Trong số này, có nhiều nhà xe không có luồng tuyến nhưng vẫn vô tư cho xe về đây để đón, trả khách.
Khoảng 5h sáng 14/6, ghi nhận của PV tại ki-ốt số 9 mặt đường chợ Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm có đặt biển “Gường nằm cao cấp - Nghệ An - Mỹ Đình - Hà Nội - Bắc Ninh”. Ít phút sau, xe khách của nhà xe San Hiền BKS 37B-012.14 ngang nhiên cho xe dừng trước ki-ốt để trả khách. Tiếp đó, xe khách VIP Năm Giang trên xe ghi dòng chữ “Lệ Thuỷ - Quảng Bình” BKS 73B-004.02 cũng ngang nhiên dừng đỗ tại đây để trả khách. Trước đó, chừng nửa tiếng, tại ngõ P2, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, xe khách của Công ty TNHH MTV Hoàng Linh BKS 73B-004.89 và xe khách BKS 73B-003.74 cũng vô tư xuống khách mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Tất cả những nhà xe này đều không có luồng tuyến ở Bến xe Mỹ Đình.
Nhà xe Năm Giang và San Hiền trả khách quanh khu vực bến xe Mỹ Đình |
Buông lỏng hay bảo kê?
Theo quy định, khi phát hiện một chiếc xe “dù” hoạt động, có tới 5- 6 lực lượng có quyền xử lý: Đội TTGT cơ động thuộc Sở GTVT, Đội TTGT vận tải thuộc Sở, Đội TTGT quản lý địa bàn (quận, huyện), CSGT, cảnh sát 113, công an phường... Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế xe “dù” hoạt động và những số liệu mà các cơ quan chức năng cung cấp, dư luận không thể không đặt câu hỏi về việc các lực lượng này đã làm hết trách nhiệm hay chưa.
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, để xử lý dứt điểm vấn nạn xe dù, bến cóc, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Công an thành phố và Sở GTVT Hà Nội. Cùng với việc tuyên truyền tới từng đơn vị hoạt động vận tải phải chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng các quy định của pháp luật, lực lượng CSGT, TTGT, nhất là lực lượng quản lý trực tiếp địa bàn phải tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý mạnh tay. |
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã lập biên bản, xử lý 7.888 trường hợp xe khách vi phạm. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 73 trường hợp xe không có phù hiệu núp bóng hợp đồng và 57 trường hợp không chạy đúng luồng tuyến. Còn theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng TTGT lập biên bản xử lý 1.836 xe khách vi phạm. Trong đó, chỉ có 15 trường hợp xe không có phù hiệu (xe “dù”) (?).
Trả lời câu hỏi PV “Có hay không việc bảo kê?”, ông Phan Anh Tuấn, Đội trưởng Đội TTGT quận Nam Từ Liêm - đơn vị phụ trách địa bàn khu vực Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Tôi không hề bảo kê cho bất kỳ nhà xe nào trên địa bàn mình quản lý. Cho đến nay, chúng tôi cũng chưa phát hiện một cán bộ hay cấp dưới nào bảo kê xe khách trên địa bàn, nếu phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm”.
Ông Tuấn cho biết thêm, những hoạt động của xe khách vi phạm như Báo Giao thông ghi nhận được thường xảy ra vào ban đêm và lúc tờ mờ sáng nên việc kiểm tra xử lý gặp khá nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã có văn bản xin đăng ký làm lệch giờ (ngoài khung giờ theo quy định) để kịp thời xử lý vi phạm. Riêng đối với các văn phòng trá hình, thời gian tới TTGT quận sẽ phối hợp với Công an phường, cảnh sát 113 tiến hành kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng Đội TTGT quận Cầu Giấy cũng khẳng định, không có chuyện TTGT bảo kê cho các xe khách vi phạm. Từ những thông tin PV cung cấp, ông Đức cho biết, sẽ tiến hành xác minh, xử lý kịp thời đối với các nhà xe vi phạm. Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng khẳng định, từ phản ánh của Báo Giao thông, Đội sẽ bố trí ngay một tổ công tác để chặn bắt những xe vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng TTKS, nhất là trên các tuyến phố chính mà xe dù thường lưu thông.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, quá trình lực lượng CSGT kiểm tra xử lý xe khách chạy “dù”, xe hợp đồng trá hình gặp nhiều khó khăn, nhất là những xe đón trả khách không hoạt động theo một thời gian nhất định, lúc thì giữa đêm, lúc tờ mờ sáng.
Các nhà xe này cũng nắm bắt rất chắc quy luật hoạt động của CSGT nên luôn tìm mọi cách trốn tránh. Thượng tá Hải cũng cho rằng, một mình lực lượng CSGT cũng không thể xử lý được hết các vi phạm, bởi CSGT còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Do vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng khác, đặc biệt là TTGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận