Chuyện dọc đường

Lụt bất thường liên tục ở Lâm Đồng: Thiên tai hay nhân tai?

09/09/2022, 06:01

Người dân bất ngờ khi đường sá ngập mênh mông như hồ ao, nước bùn đỏ ào ạt đổ vào nhà.

Mưa chỉ có 4 giờ liền trong đêm 9/6, nhưng lũ đổ về ngập các tuyến đường trong thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. QL27 qua thị trấn Đinh Văn ngập nước như hồ ao từ đêm ngày 6/9 cho đến tận đầu giờ chiều ngày 7/9.

img

Mưa liên tục 4 giờ khiến QL27 qua thị trấn Đinh Văn ngập hơn 12 giờ liền

Nguyên nhân gây lụt đã sớm được các nhà chuyên môn xác nhận do mưa lớn trên diện rộng lên tới 101mm. Nước tràn từ những ngọn đồi đầu nguồn, qua cánh đồng lúa, vướng khu dân cư thị trấn đông đúc, hệ thống thoát nước không thoát kịp.

Mặt khác hệ thống thoát nước khu tái định cư Đinh Văn xuống cấp, nhiều “nút thắt cổ chai” không thể tiêu nước kịp thời khi có mưa lớn.

Chính quyền thị trấn Đinh Văn thừa nhận khoảng 600m đường kênh thoát nước chính của thị trấn bị 18 hộ lấn chiếm, trong đó có cả công trình nhà ở của một lãnh đạo huyện Lâm Hà. Nhiều lần chính quyền phạt hành chính nhưng đến nay vẫn chưa thể tổ chức cưỡng chế được các công trình nhà dân vi phạm.

Trước đó, đầu tháng 9, trong những ngày nghỉ lễ, du khách cũng đã chứng kiến cảnh Đà Lạt nước lũ chảy như thác.

Nguyên nhân nhanh chóng được xác định. Đà Lạt trong tổng diện tích 18.000ha đất sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.000 ha nhà kính, những trận mưa lớn tạo nên những dòng suối chảy xiết quanh các trang trại, trôi nhanh ra các con suối, trong khi nước ngầm lại cạn kiệt, đất đai bạc màu.

Bê tông hóa cũng là nguyên nhân làm cho nước mưa không thể thẩm thấu, đổ ầm ầm xuống dòng thác Cam Ly, tàn phá cảnh quan Đà Lạt, vốn được mệnh danh là nơi “cho người này niềm vui, cho người kia mát lành”.

Bê tông hóa với mật độ xây dựng quá cao ở vùng nội ô làm cho những cánh rừng thông bị đẩy ngày càng xa thành phố, biến Đà Lạt gần giống như những thành phố khác.

Đó là chưa kể nhiều vùng ngoại ô Đà Lạt trước kia hoang vu, nay nhà cửa mọc chi chít kèm với đó là những ô nhà kính rợp trời.

Một nguyên nhân khác khiến Đà Lạt ngập lụt đó là rác. Người dân vô tư xả rác xuống thác Cam Ly, làm tuyến suối dài hơn 70km, chảy xuyên qua Đà Lạt ô nhiễm, nước tù đọng.

Trước trận lụt bất thường của huyện Lâm Hà, chính quyền huyện đã có chỉ đạo quyết liệt dù có hơi muộn.

Cống rãnh đang tắc có lực lượng đi khơi thông. UBND huyện báo cáo UBND tỉnh quyết giải tỏa những hộ dân lấn chiếm hành lang trên các kênh thoát nước trên địa bàn thị trấn Đinh Văn. Kinh phí trước mắt do ngân sách huyện chi trả.

Với TP Đà Lạt, ngày 6/9, UBND TP Đà Lạt ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thành lập ngay tổ công tác rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Trường hợp nào không tự giác chấp hành, cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý cưỡng chế theo luật định.

Chính quyền TP Đà Lạt cũng giao các phường, xã vận động và yêu cầu người dân cam kết bỏ rác thải, rác sinh hoạt đúng nơi quy định, không vứt rác xuống lòng suối gây ách tắc dòng chảy, dẫn tới ngập úng khi xảy ra mưa lớn.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm chỉ giới…

Những động thái này là cần thiết, tuy nhiên, nếu không giải được bài toán tác động xấu từ bê tông hóa và nhà kính mọc lên khắp nơi; về lâu dài không xử lý được rác thải thì những trận lũ lụt bất thường sẽ còn diễn ra.

Đã có nhiều hội thảo về quy hoạch Đà Lạt, nhưng quy hoạch tối ưu cho Đà Lạt vẫn còn treo đó. Việc mở rộng Đà Lạt về Cầu Đất, dưới chân đèo Prenn, Đức Trọng, Suối Vàng… là rất quan trọng, tuy nhiên phải có một tầm nhìn quy hoạch khoa học, chứ không phải để giữ đất làm bất động sản, mà không có giải pháp chống lụt lâu dài.

Lũ lụt thường do thiên tai, nhưng những trận lụt vừa qua cho thấy lụt bất thường đang phần nhiều do con người góp phần tạo nên.

Nguyễn Văn Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.