Như hấp thụ sự trong lành của tiết trời giao mùa và lộc non của các loài cây cỏ đua nhau đâm chồi sau những hạt mưa chuyển mùa, chuột đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long trở nên mập ú đến mức nướng lên, mỡ ứa xuống làm tắt cả lò than bên dưới.
“Mưa đầu mùa rồi, về quê kéo ống lon bắt chuột” - sau lời mời của lão nông Đỗ Văn Tình (68 tuổi), ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu (huyện An Phú - tỉnh An Giang), tôi khăn gói lên đường.
Mặt trời vừa tắt nắng, ông Tình lôi từ dưới sàn nhà lên 2 bao đựng hàng chục lon sữa bò đã qua sử dụng và cái lọp to gấp 3 - 4 lần lọp bắt cá. Và lạ hơn là toàn bộ đều được làm bằng sắt rất chắc chắn. “Ống lon bắt chuột là vầy nè”, ông Tình vui vẻ giới thiệu.
Đó là những lon sữa bò, 2 đầu bịt kín, bên trong có hai viên bi (đạn keo) được kết nối dọc theo sợi dây thừng mật độ 0,5m/lon.
Ông Tính cẩn thận cầm từng chiếc lon lên lắc lắc để kiểm tra âm thanh phát ra từ sự va chạm của viên bi và vỏ kim loại, rồi nói: “Bí quyết kéo ống lon bắt chuột là nằm ở cái này. Chút nữa ra đồng sẽ biết”.
Hàng trăm chiếc lon rải bẫy chuột
Ông Nguyễn Văn Nón (58 tuổi), một thành viên gần nhà bước vào rồi cẩn thận kéo chiếc lọp ra kiểm tra từng mắt lưới sắt: “Cái này dùng để chứa chuột sau khi dùng ống lon lùa vào, nên quan trọng lắm”...
Khi trời tối hẳn, cả nhóm chất lọp, bao ống lon lên xe chạy ra hướng cánh đồng. Đi được hơn 3km, đoàn dừng lại trước rẫy đậu phộng rộng gần 3 mẫu của ông Tình rồi ai vào việc nấy.
Ông Tình và ông Nón căng thẳng sợi dây ống lon dài chừng 50m ra rồi chờ 2 anh Tư Thạnh, Sáu Đúng dựng dàn đăng (loại ngư cụ được bện bằng tre, dùng để ven cá vào miệng lọp được bố trí ở đoạn giữa của 2 phần đăng được bày trí hình chữ V) ở phần cuối đất.
Sau khi ra hiệu đã sẵn sàng, ông Tình, ông Nón kéo sợi dây chạy nhanh về hướng đặt lọp. Những chiếc lon kim loại như bay trên đọt cây làm viên bi bên trong va đập liên hồi, liên tục phát ra âm thanh.
Cứ thế 2 ông chạy một mạch đến miệng đăng thì liên hồi giật sợi dây tạo ra âm thanh hối thúc cho đến khi Út Chơn nhanh tay đóng phần miệng lọp mới thôi.
Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi 3 anh lực lưỡng khệ nệ khiêng chiếc lọp đầy chuột, ước cả chục kg. Con nào cũng mập ú, phần lông trên lưng đen mượt, khác với chuột sống tại các khu dân cư ao tù, có lớp lông loang lổ trên lưng.
Những chiếc bẫy chuột được đặt khắp cánh đồng lúa
Mỗi đêm họ đánh 3 - 4 mẻ rồi chờ sáng sớm hôm sau thương lái đến thu mua. Ông Tình kể: “Bây giờ khác xa với ngày xưa. Xưa bắt chuột là đập cho chết, còn bây giờ, phải nghĩ cách bắt sống và còn phải nâng như… nâng trứng”.
Theo ông Tình, có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do nhu cầu xã hội. Ngày trước, chuột chỉ là thức ăn trong gia đình hoặc buôn bán với giá bình dân trong làng nên phương thức bắt cũng rất đơn sơ.
Bên cạnh việc tận dụng chuột bị đánh bẫy bảo vệ lúa, hoa màu, người ta còn dùng nhiều cách khác như: đào hang, ví cù...
Tuy các cách bắt này mang đậm màu sắc văn hóa miệt vườn với hình ảnh những chú chó thông minh chạy phía trước đánh hơi hang cho chủ.
Trong lúc chủ hì hục đào hang, thì đứng canh hang ngách để báo động khi lũ chuột tìm cách thoát thân...
Nhưng với cách này, chuột bị bắt đều chết hoặc bị thương, nên chỉ có thể chế biến ăn ngay trong xóm, trong làng.
Còn bây giờ, chuột đã trở thành đặc sản cho các nhà hàng sang trọng nơi phố thị, thương lái chấp nhận trả giá cao để mua “chuột hơi”, giữ được tươi nguyên khi chuyển về phố thị. Vì thế nông dân phải thay đổi cách đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ mùa màng, vừa có thêm thu nhập cao.
Chuột từ các đám đậu phộng thường được thương lái mua với giá nhỉnh hơn.
Bởi cũng giống như chuột dừa xứ Bến Tre, chuột rẫy đậu phộng ở An Giang được xem là đặc sản, vì được ăn những hạt đậu chứa đầy dầu nên lông rất mượt, thân mập ú, và nhất là khi chế biến thành món ăn, cũng béo ngon hơn.
Còn ở Hậu Giang, có một địa phương được coi “xã săn chuột” lớn nhất miền Tây, đó là xã Mỹ Hòa (huyện Phụng Hiệp).
Khi mùa nước nổi kết thúc cũng là lúc người dân trong xã hối hả bơi xuồng đi săn chuột. Theo các bậc cao niên ở đây, nghề săn chuột ở Hòa Mỹ đã có cách đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ lại phát triển rầm rộ như hiện nay.
Ngày trước, việc săn bắt chuột chỉ nhỏ lẻ tự phát và chủ yếu săn chuột về để làm mồi nhậu là chính.
Nhưng mấy năm gần đây số lượng “thợ săn” đã lên hàng trăm người, trong đó có gia đình làm nghề 2 - 3 thế hệ.
Theo chỉ dẫn của ông Hai Chiến, chúng tôi tìm đến gặp anh Nguyễn Văn Sửu ở ấp 4, xã Mỹ Hoà. Anh Nguyễn Văn Sửu là một “thợ săn chuột” có tiếng ở xã này và được hẹn 6 giờ chiều đi “săn chuột” cùng anh.
Chúng tôi đi xuồng sang cánh đồng đối diện rồi len lỏi vào một con kênh có cây cối um tùm, tiếng ếch, nhái kêu râm ran. Tắt máy, anh Sửu đội đèn lên đầu rồi tiến thẳng ra mũi xuồng để quan sát.
Anh ngồi trên chiếc ghế trước mũi xuồng, cầm dầm chèo nhẹ trên mặt nước mà không hề phát ra tiếng động.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh Sửu giải thích: “Chuột đồng rất khôn nên nghe tiếng động sẽ chạy mất, phải sử dụng dầm để bơi xuồng cho không có tiếng động”
Đầu đội đèn tự chế, anh Sửu đảo liên tục vào hai bên bờ kênh. Bơi được một đoạn, mọi động tác của anh chậm lại, mũi xuồng được áp sát mé bờ, tay anh nhè nhẹ vớt lấy cây chĩa phóng vụt vào bãi cỏ, một con chuột kêu “sập bẫy”.
Anh tiếp tục lấy thêm cây chĩa thứ hai phóng trúng ngay một con chuột nữa. Đi một hồi trên khoang xuồng, anh đã có hàng chục “chiến lợi phẩm”.
Nói về việc nhận dạng chuột chạy trong đêm tối, anh Sửu chia sẻ: “Trong đêm tối không thể nhìn được cả con chuột mà khi soi đèn chỉ thấy hai mắt chuột sáng lên.
Cùng với việc kêu “chít chít” như thể chuột con gặp nạn kêu cứu, chuột mẹ tự động chui ra khỏi hang hay bụi rậm”.
Anh Chau (người Khmer, ở Tịnh Biên, An Giang) với "chiến lợi phẩm" vừa "săn" được
Theo tiết lộ của đầu bếp ở TP Cần Thơ, hiện thịt chuột có thể được chế biến thành hàng chục món ăn đặc sản, như: Chuột luộc hèm, chuột kho rau răm, chuột xào lá cách, chuột xào lá mãng cầu gai, chuột nướng, chuột khìa, chuột quay, chuột xào củ kiệu...
Đặc biệt, có món trứng chuột đực (thường được gọi là “ngọc tý”) xào củ kiệu, phải đặt trước mới có hàng.
Người dân địa phương cho biết, vào tháng 4 Âm lịch, thịt chuột mới đạt đỉnh ngon nhất trong năm.
“Nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”. Các đầu bếp chế biến món nướng với các hương vị khác nhau: Ướp thịt chuột với chao, thành ra món chuột nướng chao, thơm lừng pha chút beo béo đặc trưng của chao.
Hay ướp với sa tế, thành món chuột nướng sa tế, cay nồng nơi đầu lưỡi...
Nhưng có lẽ cách nướng tươi của người dân miệt đồng mới lột tả được hết cái ngon, thơm đặc trưng của thịt chuột.
Sau khi lột da, bỏ đầu, đuôi, chân và mổ bỏ nội tạng, chỉ chừa lại 2 lá gan và chùm mỡ, không tẩm ướp bất cứ gia vị nào, cho thẳng vào nhánh tre tươi đã chẻ đôi, rồi dùng lạt cố định 2 đầu trước khi đưa lên lửa than nướng đến vàng đều là có món chuột nướng ngọt đến từng thớ thịt.
Nước chấm ăn kèm món này là nước mắm chuột đồng nguyên chất, thêm vào chút xoài sống băm dọc dài, ớt sừng vừa ửng đỏ cắt khoanh...
Ở xứ Miệt Thứ (Kiên Giang), người dân nơi đây còn khéo tay chế ra món khô chuột và mắm chuột. Mắm chuột cũng được chế biến như mắm cá, nhưng không ăn liền được, mà phải qua công đoạn chưng hoặc chiên ăn kèm với rau sống, gừng non thái sợi, ớt tươi cắt khoanh, rất “bắt miệng”.
Còn món khô chuột, ngoài muối, còn có sả băm mịn trước khi phơi khô nên khi nướng lên, mùi rất hấp dẫn.
TS. Nguyễn Thị Diệp Mai, Phó giám đốc Sở VHTT Kiên Giang cho biết: “Đây là 2 món đặc trưng chỉ có ở Kiên Giang”.
Còn ở vùng Đồng Tháp Mười, có món chuột nấu canh chua nức tiếng đến mức đi vào kho tàng văn học dân gian: “Ai bày thịt chuột nấu canh; Ai xui, ai biểu cho anh gặp nàng!”…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận