Thời sự Quốc tế

Mắc kẹt trong hầm bị sập nhiều ngày, 41 công nhân làm gì để sống sót?

21/11/2023, 09:19

41 công nhân Ấn Độ mắc kẹt trong đường hầm bị sập ở dãy Himalaya tại khu vực thuộc bang Uttarakhand đã áp dụng nhiều biện pháp như đi bộ, tập yoga để nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ngày 21/11, hãng tin Indian Express dẫn lời bác sĩ tâm thần Abhishek Sharma - người được Chính phủ Ấn Độ chỉ định chịu trách nhiệm giám sát tình hình sức khỏe tâm thần của nhóm công nhân mắc kẹt cho biết: “Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với nhóm công nhân và đề nghị họ thực hiện các động tác yoga, đi bộ, trò chuyện với nhau để giữ vững tinh thần”.

Ông Sharma cho biết người lớn tuổi nhất trong số các công nhân mắc kẹt từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, do đó có nhiều kinh nghiệm ứng phó và luôn đảm bảo các thành viên khác giữ vững tinh thần.

Theo Indian Express, những ngày qua, nhóm công nhân được tiếp tế thực phẩm gồm bánh gạo, đậu và hoa quả khô. 

Sau khi một đường ống cung cấp nhu yếu phẩm mới được lắp xuyên qua đống đổ nát để tiếp cận nhóm công nhân vào ngày 20/11, giới chức địa phương đang có kế hoạch cung cấp các loại thực phẩm đa dạng hơn như chuối, táo cắt lát và một số món ăn Ấn Độ khác.

Cách 41 công nhân Ấn Độ sử dụng để giữ vững tinh thần sau 1 tuần mắc kẹt trong hầm sập - Ảnh 1.

Đội cứu hộ triển khai máy móc để giải cứu nhóm công nhân mắc kẹt trong đường hầm bị sập tại bang Uttarakhand, Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, giới chức địa phương cũng có kế hoạch sớm chuyển điện thoại di động, sạc vào cho nhóm công nhân. Giới chức địa phương cũng đang triển khai camera để kết nối bằng hình ảnh với nhóm công nhân.

Một số trường hợp công nhân báo cáo bị chóng mặt, khó tiêu đều đã được cung cấp thuốc men kịp thời.

Theo các quan chức địa phương, nhóm công nhân đã dọn dẹp một khu vực riêng trong đường hầm để phục vụ nhu cầu vệ sinh. Ngoài ra, may mắn là nhóm công nhân đã tiếp cận được nguồn nước tự nhiên ở bên trong đường hầm.

Bác sĩ Sharma cho biết nhóm công nhân đã sử dụng vật đựng để chứa, sử dụng nguồn nước để uống và phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Theo Indian Express, nhóm công nhân cũng đi bộ trong khoảng không gian rộng khoảng 2km nơi bị mắc kẹt để rèn luyện thể chất.

Ông Anshu Manish Khalkho, Giám đốc Tập đoàn Phát triển Cơ sở hạ tầng và Cao tốc quốc gia Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp thực phẩm nửa giờ/lần và duy trì liên lạc 2-3 giờ/lần. Quan chức từ các bang, người thân, chuyên gia y tế cũng thường xuyên liên lạc với nhóm công nhân”.

Ông Khalkho cũng cho biết do mắc kẹt trong không gian kín nên nhóm công nhân sẽ không gặp vấn đề như nhiệt độ hạ xuống mức thấp hay muỗi đốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.