Xã hội

Mặc khó khăn, dân làng Cơ Tu "nấu cơm, góp rau" ủng hộ vùng dịch Covid-19

23/08/2021, 19:52

Dân làng Cơ Tu vùng biên giới tỉnh Quảng Nam tự nấu cơm lam, góp rau măng tiếp sức người dân Đà Nẵng vượt qua những khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.

Có rau góp rau, có gạo góp gạo...không có rau gạo thì góp công

Để có tiền mua sắm ít đồ dùng học tập, áo quần cho con trước thềm năm học mới, chị Bling Thị Ngân (trú tại thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang) đang định chuẩn bị ít gạo lúa mang ra chợ bán.

Tuy nhiên, khi nghe tin Hội phụ nữ xã phát động đóng góp rau gạo ủng hộ người dân Đà Nẵng, chị không chút chần chừ gùi số gạo vừa xay ở góc nhà, cùng một 2 quả bí đỏ hái từ vườn hôm trước mang xuống điểm tập kết quyên góp.

img

Người dân thôn thôn Achiing (xã Atiêng) mang bí đỏ ủng hộ người dân Đà Nẵng

Thấy vậy Hội phụ nữ xã Atiêng có ý chỉ nhận hoa quả, còn lại khuyên chị bán gạo lo học phí cho con bởi chị Ngân là hộ khó khăn, lại là phụ nữ đơn thân. Nhưng chị Ngân nài nỉ: Lúc mình gặp thiên tai, mưa lũ, người Đà Nẵng mang lên cho mình bao nhiêu thứ, mình góp lại chừng này, kể chi. Mình còn cái nương, cái rẫy, con Covid-19 chưa lên đây được thì còn làm ăn, no cái bụng!

Không riêng chị Ngân, tại thôn Achiing (xã Atiêng), gia đình bà Pơloong Thị Dríp, Pơloong Thị Acá chung cảnh cơ cực, phải lo ăn từng mùa rẫy. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hễ cứ mỗi lần có chủ trương của xã, thôn về công tác vận động ủng hộ quyên góp nhu yếu phẩm cho các nơi đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, gia đình các chị, các bà đều hưởng ứng nhiệt tình.

Bà Dríp cho biết: "Đợt ủng hộ này gia đình chỉ góp được 1 gùi măng, 1 gùi chuối và một ít gạo nếp rẫy nấu cơm lam. Nếu như không bị đợt mưa lũ tàn phá, mùa rẫy này nay gia đình sẽ trồng được nhiều bí đỏ, chuối lắm! Những gốc tre cũng sẽ cho nhiều măng hơn...".

img

Hội viên Hội phụ nữ xã Atiêng cùng làm cơm lam

Không có rau củ, gạo lúa đóng góp, nhiều người dân Cơ Tu ở xã Atiêng góp công, góp sức. Họ vào rừng đốn những cây tre nứa to, dài, thẳng nhất mang về chặt ra từng đốt để nấu cơm lam. Người thì vo gạo, người sục rửa ống tre nứa, người chuẩn bị củi, người làm giàn bếp... Mỗi người góp mỗi tay, mỗi người làm mỗi việc. Tiếng cười, tiếng nói, vui như ngày hội làng.

"Món cơm lam của người Cơ Tu như cơm nếp, xôi của người xuôi, nhưng khác là cơm làm ở đây được nấu từ nếp rẫy bỏ trong ống tre nứa. Cơm nếp giữ được hương vị thơm ngon. Cơm ăn mềm dẻo. Đặc biệt là dù trời mưa, hay nắng gắt, cơm nếp để trong ống tre nứa lâu ngày vẫn không bị hỏng, ăn vẫn giữ được hương vị. Người Cơ Tu thường mang loại cơm lam này đi làm rẫy, ở trong rừng lâu ngày vẫn không lo thiếu đồ ăn", chị Acá nói.

img

Không quản đường xa, người dân ở các thôn/làng ở huyện biên giới Tây Giang tự nguyện quyên góp rau quả ủng hộ Đà Nẵng

"Có gì góp đó" là cái nghĩa, cái tình của người dân vùng cao biên giới

Theo chị Bling Thị Oóch, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Atiêng, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, xã Atiêng đã tổ chức 3 đợt phát động quyên góp nhu yếu phẩm ủng hộ người dân ở vùng dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM, Đà Nẵng.

Chị Oóch chia sẻ: Với điều kiện vùng biên giới, khí hậu khắc nghiệt, người dân sinh sống dựa vào chăn nuôi, trồng trọt, năng suất, sản lượng còn hạn chế. Đa phần người dân là đồng bào dân tộc Cơ Tu, đời sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với lối sống, văn hóa cộng đồng nên người dân sống nương tựa vào nhau, luôn gắn kết giúp đỡ lẫn nhau.

"Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, người dân địa phương luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, những mạnh thường quân ở khắp nơi trong cả nước, nhất là ở Đà Nẵng, TP.HCM... Vậy nên, khi nghe tin chính quyền địa phương, hội phụ nữ, mặt trận xã vận động quyên góp lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân vùng dịch bệnh, thì ai nấy đều tự nguyện đóng góp, với phương châm "có gì góp đó", nhằm thể hiện tấm lòng, cái tình cái nghĩa của người dân vùng cao biên giới", chị Oóch bày tỏ.

img

Những phụ nữ người Cơ Tu vùng biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nấu cơm lam gửi đến tâm dịch Đà Nẵng.

Theo ông Cơlâu Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang, sau khi phát động quyên góp lương thực phẩm hỗ trợ người dân TP. Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang đã nhận được 1 tấn nếp từ các xã trên địa bàn đóng góp và nấu được 330 ống cơm lam.

Số cơm này đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang vận chuyển trao gửi đến Đà Nẵng vào ngày 21/8. Không dừng lại đó, trong đợt 2 này, vào ngày 24/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang sẽ tiếp tục vận chuyển số cơm lam còn lại đến người dân Đà Nẵng, cùng với số như yếu phẩm mà người dân vừa quyên góp được trong 3 ngày qua.

Ông Cơlâu Hạnh, cho biết: Qua 7 ngày vận động (18 - 23/8), người dân trên địa bàn ủng hộ 12 tấn nông sản gồm măng rừng, chuối, bầu, bí... Riêng hội viên Hội phụ nữ huyện Tây Giang ủng hộ thêm 700 ống cơm lam. Không riêng gì người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động huyện Tây Giang cũng đóng góp 100kg thịt bò và 150kg thịt heo trao gửi đến người dân Đà Nẵng trong dịp này.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Na, từ ngày 8/8 đến nay, tỉnh Quảng nam đã vận động được hơn 85 tấn lương thực, thực phẩm. Toàn bộ số lương thực, thực phẩm trên đã kịp thời chuyển hỗ trợ nhân dân Đà Nẵng gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid -19.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng trị giá lương thực, thực phẩm vận động ủng hộ nhân dân Đà Nẵng khoảng 1,5 tỷ đồng.

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam hợp đồng với siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thu mua, vận chuyển hơn 20 tấn nông sản, thực phẩm (trị giá 327 triệu đồng); các địa phương vận động được hơn 65 tấn hàng gồm: TP.Tam Kỳ (8,3 tấn), TP.Hội An (1 tấn); các huyện Đại Lộc (30 tấn), Nam Trà My (10,1 tấn), Duy Xuyên (18,1 tấn) và Đông Giang (18 tấn).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.