Vận tải

Mật độ xe tăng cao, giao thông phức tạp

30/01/2019, 08:34

Khảo sát những ngày qua ghi nhận lượng xe trên cao tốc TP HCM - Trung Lương tăng lên đột biến.

img
Phương tiện nối nhau chạy trên cao tốc TP HCM - Trung Lương khiến tốc độ của tuyến đường này chỉ còn khoảng 60km/h thay vì 120km/h như thiết kế - Ảnh: Lê Lối

Cao tốc TP HCM - Trung Lương tạm dừng thu phí khiến lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trung bình tăng trên 31%. Tốc độ lưu thông lúc này chỉ khoảng 60km/h thay vì 120km/h so với thiết kế.

Lượng xe tăng trên 30%

Khảo sát tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương trong những ngày qua cho thấy, tình hình giao thông rất phức tạp. Từ sáng sớm, tại khu vực đường dẫn vào cao tốc phía Trạm thu phí Chợ Đệm, hàng chục chiếc xe tải đậu hai bên đường để sửa xe, bốc xếp hàng hóa. Tuyến đường đã chật hẹp lại thêm nhiều phương tiện lưu thông ra vào tiềm ẩn nguy cơ va chạm. Tại khu vực Trạm thu phí Chợ Đệm, lượng phương tiện đi vào cao tốc tăng nhiều hơn so với trước đây. Dù không thu phí nhưng tại trạm vẫn có nhân viên túc trực để hướng dẫn đảm bảo ATGT.

Khi đi vào đoạn cầu cạn trên cao tốc, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều xe tải nặng, xe container lưu thông, điều rất ít thấy khi còn thu phí. Trên một đoạn đường chừng 100m chúng tôi đếm được 11 xe tải lớn nhỏ xếp hàng nuối đuôi nhau. Lượng xe tăng khiến cho khoảng cách giữa các xe bị thu hẹp lại, mỗi xe chỉ cách nhau chừng 5m-10m. Có trường hợp 3 chiếc xe tải chạy song song nhau khiến các phương tiện đi sau không thể vượt lên được. Khu vực trạm xăng dầu trên cao tốc có rất nhiều xe đậu từ ngoài đường vào. Có tài xế cho dừng xe cả buổi để ngủ trên cabin.

Anh Nguyễn Văn Bình, một tài xế xe khách tuyến TP HCM - Cần Thơ cho biết, trước đây đi cao tốc thường chạy 90km-100km/h nhưng kể từ ngày dừng thu phí, lượng phương tiện tăng cao nên tốc độ bị hạn chế. “Xe rất đông, cứ nối đuôi nhau chạy, mình muốn an toàn nên chỉ chạy 60km/h chứ không nhanh hơn được. Đi cao tốc thế này không khác gì chạy quốc lộ 1”, anh Bình nói.

Điều đáng nói là tình trạng xe chạy lấn làn, vượt ẩu, chạy vào cả làn đường khẩn cấp khiến nguy cơ TNGT rất cao. “Hôm rồi có chiếc xe tải bị hỏng phải dừng vào làn khẩn cấp. Một chiếc ô tô con đã chạy vào làn khẩn cấp để vượt lên, do bị khuất tầm nhìn nên suýt chút nữa đụng vào chiếc xe tải kia”, anh Chiến, một tài xế xe tải kể.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, khảo sát những ngày qua ghi nhận lượng xe trên cao tốc TP HCM - Trung Lương tăng lên đột biến. Cụ thể, tại Trạm Chợ Đệm, ghi nhận có 50.571 xe/ngày đêm (tăng lên 31% so với lúc còn thu phí), trong đó hướng TP HCM - Trung Lương là 24.079 xe/ngày đêm, hướng Trung Lương - TP HCM là 26.492 xe/ngày đêm. Tại trạm Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang), tổng số phương tiện ghi nhận được là 47.365 xe/ngày đêm (tăng 30,5% so với lúc còn thu phí), trong đó hướng TP HCM - Trung Lương là 24.032 xe/ngày đêm, hướng Trung Lương - TP HCM là 23.333 xe/ngày đêm.

Lượng xe tăng đột biến khiến tốc độ lưu thông trung bình hiện tại chỉ đạt từ 60km - 70 km/h thay vì 120km/h so với trước. Vào các ngày cuối tuần lưu lượng xe tăng nên nhiều phương tiện cố tình chạy vào làn dừng khẩn cấp gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục ảnh hưởng đến TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.

Cần 104 tỷ để duy tu đảm bảo ATGT

Ông Thành cũng cho biết, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác từ năm 2010 đến nay đã gần 10 năm nhưng chưa được trùng tu lần nào. Mặc dù công tác bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì được thực hiện đúng theo quy định nhưng vẫn có nhiều đoạn mặt đường hư hỏng, lớp tạo nhám không đáp ứng yêu cầu. Hệ thống chiếu sáng, hệ thống báo hiệu… một số nơi đã bị hư hỏng cần phải được sửa chữa đảm bảo yêu cầu khai thác, đảm bảo ATGT.

Vì vậy, Cục QLĐB IV đã lên kế hoạch duy tu tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương trong năm 2019 với kinh phí khoảng 104 tỷ đồng từ nguồn ngân sách vì hiện đang tạm dừng thu phí. Trong đó, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên khoảng 32 tỷ đồng, kinh phí sửa chữa định kỳ khoảng 14,7 tỷ đồng, sửa chữa - duy trì hệ thống ITS và trung tâm điều hành khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ tiến hành sửa chữa, cải tạo độ bằng phẳng mặt đường, thi công lớp tạo nhám tuyến chính với kinh phí 40 tỷ đồng; sửa chữa hệ thống đường dẫn khoảng 5 tỷ đồng; sửa chữa hệ thống ATGT, chiếu sáng trên tuyến cao tốc khoảng 3 tỷ đồng. Các sửa chữa khác (sơn DPC, sơn cọc H…) và công tác tuyên truyền ATGT khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn cần khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thu phí không dừng. “Đó chỉ là mới duy tu thường xuyên, nếu trung tu thì nguồn kinh phí sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, với thực trạng hiện nay nếu không có phương án quản lý khai thác tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương một cách hợp lý thì cao tốc sẽ không khác gì quốc lộ. Hiện tại song song với tuyến cao tốc này là QL1. Vì vậy, tài xế hoàn toàn có thể lựa chọn hướng đi thích hợp cho mình. Trên cơ sở đó, Cục QLĐB IV đã đề nghị tiếp tục thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương để có nguồn kinh phí duy tu, đầu tư mới. Cụ thể, sẽ đặt hàng đơn vị đủ năng lực thực hiện quản lý, vận hành và tổ chức thu phí trong năm đầu để xác định số thu thực tế làm cơ sở tính tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Đầu tư thiết bị thu không dừng trên 4 trạm thu phí của tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Các năm tiếp theo sẽ tổ chức đấu thầu việc quản lý, vận hành và tổ chức thu phí theo định kỳ 2 năm/lần. Nguồn thu được từ thu phí sau khi khấu trừ chi phí bảo trì và chi hoạt động thu sẽ nộp nhân sách Nhà nước.

Tại buổi kiểm tra thực tế tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường lực lượng để đảm bảo TTATGT. Tiến hành sửa chữa lại hệ thống trạm thu phí, duy tu thường xuyên mặt đường để phương tiện lưu thông êm thuận. Phối hợp với lực lượng chức năng xử lý những phương tiện cố tình vi phạm chạy vào làn đường khẩn cấp, phóng nhanh vượt ẩu để đảm bảo ATGT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.