“Nếu con đạt được 10 điểm trong bài kiểm tra vào lần tới, mẹ sẽ thưởng một món đồ chơi con thích nhất”. Có lẽ câu nói này rất quen thuộc đối với nhiều người.
Trong quá trình giáo dục con cái, một số cha mẹ thường đưa ra những phần thưởng hấp dẫn để tạo động lực thúc đẩy học tập cho trẻ.
Các chuyên gia giáo dục cũng khuyến khích cha mẹ nên đưa ra các phần thưởng để trẻ biết cố gắng phấn đấu hơn. Tuy nhiên trong thực tế, đằng sau việc này còn có một mặt trái cha mẹ cần phải cân nhắc.
Mặt trái của việc lấy phần thưởng làm động lực học tập
- Chỉ muốn có được thứ mình muốn thay vì là kiến thức
Khi cha mẹ gắn sự tiến bộ trong học tập với phần thưởng, nó sẽ khiến trẻ có một suy nghĩ rằng, chỉ cần học tập chăm chỉ hoặc ngoan ngoãn nghe lời là sẽ nhận được thứ mình thích.
Theo cách này, phần thưởng sẽ mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Trẻ sẽ coi việc được sở hữu món đồ mình thích là động lực lớn nhất để cố gắng học tập. Trong suy nghĩ của trẻ sẽ không nỗ lực vì muốn có được kiến thức.
Để đáp ứng nhu cầu của bản thân và của cha mẹ, trẻ sẽ nghĩ mình cứ tiến bộ bằng mọi cách là sẽ được một phần thưởng xứng đáng.
- Hình thành tính cách thực dụng
Trẻ bắt đầu hình thành thói quen làm bất cứ việc gì cũng cân nhắc xem việc đó có lợi cho mình hay không. Mặc dù việc học là của cá nhân nhưng trẻ sẽ đợi cha mẹ đưa ra phần thưởng mới chịu cố gắng học.
Theo thời gian, trẻ dần có tính thực dụng, động lực học tập không còn trong sáng, không để ý tới ý nghĩa của việc học mà chỉ muốn tận hưởng niềm vui vật chất.
Làm sao để tạo động lực cho trẻ biết cố gắng?
Có một số đứa trẻ biết nỗ lực trong học tập nhưng không vì phần thưởng hấp dẫn mà là lời khen ngợi từ cha mẹ. Cảm giác được cha mẹ công nhận sự nỗ lực của bản thân mới là điều trẻ hài lòng và hạnh phúc nhất.
Cha mẹ nên tạo động lực bên trong cho con cái. Đó là sự hài lòng về tinh thần, niềm vui khi bản thân đạt được mục tiêu đề ra khi yếu tố môi trường bên ngoài không mang lại. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là động lực để trẻ muốn học mà không dựa vào phần thưởng của cha mẹ.
Một khi trẻ không chịu sự chi phối của vật chất bên ngoài, tìm được lý do muốn bản thân hoàn thành mục tiêu, đó mới là động lực bền vững nhất không gì thay thế được.
Điều quan trọng cha mẹ cần hiểu rằng, phần thưởng không phải là điều xấu mà cần chú trọng tới hình thức khen thưởng như thế nào. Nếu cha mẹ vẫn muốn lấy phần thưởng để tạo động lực cho con cái cố gắng, hãy chú ý tới một số điều sau:
- Hỏi trẻ muốn gì, không phải đáp ứng ngay lập tức phần thưởng chúng thích mà là hỏi suy nghĩ của trẻ như thế nào. Khi trao đổi như vậy, cha mẹ sẽ hiểu được suy nghĩ thực sự trong lòng con mình.
- Biết được phần thưởng trẻ muốn, nếu đó có liên quan tới vật chất, cha mẹ nên hỏi chúng mục đích để làm gì, có thể hướng trẻ qua những thứ cần thiết hơn.
- Không nên lạm dụng phần thưởng mỗi khi thấy con cái lười học. Điều đó có thể khiến chúng học vẹt với mục đích có được thứ mình muốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận