Siêu máy bay bị cất kho
Theo tờ iNews, thời gian qua, nhiều hãng bay quyết định đưa vào vận hành trở lại nhiều máy bay Airbus A380 trong bối cảnh lượng khách tăng vọt và đơn hàng Boeing bị đình trệ.
Được mệnh danh là "Super Jumbo", dòng máy bay thương mại Airbus A380 lớn nhất thế giới có sức chứa 519 hành khách, bao gồm 14 ghế hạng nhất, 76 ghế thương gia và 429 ghế phổ thông. Năm 2014, chi phí phát triển máy bay Airbus A380 lên tới 25 tỷ USD (hơn 636 nghìn tỷ đồng).
Theo Airbus, đây là máy bay chở khách lớn nhất và rộng nhất thế giới. Kể từ khi hoạt động vào năm 2005 đến nay, tổng cộng đã có hơn 800.000 chuyến bay được thực hiện dòng máy bay này, phục vụ hơn 300 triệu hành khách.
"A380 là máy bay biểu tượng của ngành hàng không với thiết kế độc nhất vô nhị, có hai tầng rộng rãi cùng nhiều tiện nghi sang trọng như phòng chờ, quầy bar, thậm chí cả phòng tắm", bà Kata Cserep, Giám đốc toàn cầu phụ trách hàng không của công ty tư vấn PA Consulting, cho biết.
Dù mục tiêu ra đời là để thách thức vị thế thống trị suốt nhiều năm của "nữ hoàng bầu trời" Boeing 747 nhưng gần 20 năm, chỉ có khoảng 250 chiếc A380 được chế tạo, ít hơn nhiều so với con số hơn 1.500 chiếc Boeing 747.
Trong khi đó, chi phí vận hành máy bay phản lực cỡ lớn quá tốn kém trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, buộc nhiều hãng bay chuyển sang vận hành các máy bay hai động cơ nhỏ hơn.
Đến năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, dòng máy bay này đã bị dừng sản xuất. Cũng trong giai đoạn trên, nhiều chiếc A380 trên thế giới bị đắp chiếu. Nhiều chuyên gia dự đoán loại máy bay này sẽ bị loại bỏ trong vài năm tới.
Bùng nổ nhu cầu
Song gần đây, khi lượng khách bùng nổ, hoạt động sản xuất máy bay của Boeing bị gián đoạn vì liên tục bị điều tra sự cố an toàn, nhiều hãng hàng không đang quay trở lại sử dụng đội bay A380.
"Cho dù A380 không tiết kiệm nhiên liệu bằng các máy bay thế hệ mới nhưng một chiếc máy bay chở đầy hành khách chắc chắn hiệu quả hơn việc không vận hành, nhất là khi máy bay mới chưa biết bao giờ được giao", bà Cserep nói.
Không những thế, tại nhiều sân bay như London Heathrow, vị trí sân đỗ máy bay ngày càng khan hiếm trong khi các cảng hàng không khó có thể thể cải tạo mở rộng hạ tầng, cản trở các hãng bay tăng tần suất chuyến. Do đó, các hãng đã phải tính đến việc sử dụng các dòng máy bay có sức chứa lớn hơn như A380 để tăng năng lực vận tải.
Trong đó, riêng năm 2023, hãng hàng không Etihad Airways (UAE) đã đưa máy bay Airbus A380 đang lưu kho ở Tây Ban Nha về Abu Dhabi để khai thác đường bay Abu Dhabi - London (Anh) và New York (Mỹ).
British Airways (Anh) cũng vận hành 12 chiếc A380, kết nối các thành phố lớn của Mỹ như: Boston, Chicago, Los Angeles, Miami và San Francisco. Những chiếc máy bay này cũng bay đến Vancouver (Canada), Singapore, Johannesburg (Nam Phi) và Hong Kong (Trung Quốc).
Theo tờ Bloomberg, British Airways đang đàm phán với Airbus để mua các máy bay A380-800 mới. Năm ngoái, công ty này cũng đã cân nhắc mua 6-7 máy bay A380 đã qua sử dụng, nhưng sau đó quyết định mua máy bay mới để tối ưu chi phí.
Ngoài British Airways, hãng hàng không Emirates của UAE cũng ký kết biên bản ghi nhớ mua 20 chiếc A380-800 mới, dự kiến còn có thể mua thêm 16 chiếc nữa.
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hàng không phục hồi sau đại dịch, lượng khách đã tăng đáng kể trên nhiều đường bay như: London - Dubai (UAE), London - Los Angeles (Mỹ), Dubai - Sydney (Australia), London - Singapore. Nếu vận hành những chiếc A380 trên các chặng bay này sẽ mang lại hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận