Y tế

Mẹ bầu đi chụp X-quang có ảnh hưởng gì không, cần lưu ý điều gì?

11/09/2019, 08:36

Nhiều thai phụ vẫn khá e dè trước phương pháp chụp X-quang vì lo ngại ảnh hưởng thai nhi. Vậy nếu phải chụp X-quang, mẹ bầu cần lưu ý điều gì?

img
Nhiều thai phụ vẫn khá e dè trước phương pháp chụp X-quang vì lo ngại ảnh hưởng thai nhi. Vậy nếu phải chụp X-quang, mẹ bầu cần lưu ý điều gì?

Nguồn bức xạ hiện diện ở quanh ta

X-quang là kỹ thuật được dùng phổ biến nhất trong chẩn đoán hình ảnh. Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và là xét nghiệm cận lâm sàng thường quy (X-quang tim phổi). Tuy nhiên, nhiều thai phụ vẫn khá e dè trước phương pháp này vì lo ngại đến sự phát triển của thai nhi.

Theo BS. Anh Tuấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV quận Thủ Đức. Tp. HCM, nhiều người vẫn nghĩ rằng, nguồn bức xạ chỉ hiện diện trong y tế hoặc những nơi sản xuất năng lượng hạt nhân. Thực tế, nguồn bức xạ hiện diện ở quanh ta: từ đất, từ không khí, từ thức ăn và nước, thậm chí từ vũ trụ. Trung bình trên thế giới, một người bình thường sống trên trái đất nhận một liều bức xạ từ môi trường tự nhiên là 1,5-3,5 mSV (mSV: đơn vị đo liều bức xạ), đối với Việt Nam là 1 mSV.

Liều tia X bệnh nhân nhận được từ một lần chụp tim phổi là 0,1 mSV, nghĩa là 1 lần chụp tim phổi chỉ tương đương với 1/10 liều bức xạ tự nhiên hàng năm mà ai cũng đều được nhận. X-quang chẩn đoán thuộc mức độ liều rất thấp (<20 mSV), theo một số nghiên cứu, thì <200 mSV (mức độ liều thấp) không quan sát thấy tác dụng của tia X lên cơ thể cũng như bào thai, có thể dưới mức này không gây tác động có ý nghĩa.

Tác động của X-quang lên thai nghén thế nào?
Khi chụp X-quang tim phổi, chùm tia X không chiếu vào vùng bào thai ở tiểu khung. Có thể có một số tia thứ cấp chạm tới nhưng liều rất nhỏ và không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc sẩy thai.

Tuần đầu, bào thai rất ít bị ảnh hưởng gây dị tật bởi tia X. Tuy nhiên tia X có thể gây sẩy thai nhưng phải với liều cao hơn nhiều liều 50 mSV (500 lần chụp tim phổi).

Từ tuần thứ 2 đến 8, tia X với liều chụp chẩn đoán không gây ra dị tật, sẩy thai hoặc làm chậm phát triển thai, trừ khi bị “ăn liều” trên 200 mSV (2000 lần chụp tim phổi).

Từ tuần thứ 8 đến 15, hệ thần kinh trung ương của bào thai có thể nhạy cảm với ảnh hưởng tia X nhưng phải với liều trên 300 mSV (3000 lần chụp tim phổi).

Từ sau tuần 20, các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn. Sức chịu đựng của thai nhi với tia X tốt hơn, gần như tương đương của người mẹ.

Vẫn chưa có cơ sở nào chứng minh việc 1 lần chụp X quang tim phổi, kể cả 1 lần chụp CT bụng – tiểu khung (bằng 100-200 lần chụp phổi) có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hoặc sẩy thai. Thế nên, nếu một phụ nữ sau khi chụp X quang mới phát hiện mình có thai cũng xin đừng quá lo lắng.

Các bà mẹ cũng nên biết rằng, ngay cả thai kỳ hoàn toàn không tiếp xúc với tia X vẫn có một tỉ lệ nhỏ bất thường (khoảng 1/800 trường hợp), vì vậy khi mang thai cần phải khám thai định kỳ để được tầm soát và chẩn đoán những bất thường thai nhi.

Tuy vậy, để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có thai chỉ nên chụp X quang khi thực sự cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.