Bé gái N.M.P 15 tháng tuổi, trú tại Minh Khai, được mẹ đưa tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám sau 3 ngày sốt, ho nghe nặng tiếng. Tại đây, bé gái được chẩn đoán viêm phổi, nhập viện điều trị nội trú. Mẹ bé P cho biết, trước đó, khi con mới chớm ho, gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng trẻ không đỡ mà ngày thêm nặng.
Trong số khoảng 100 trẻ điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, phần lớn trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sốt virus…
Theo BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy. Các phụ huynh cho biết diễn tiến bệnh của trẻ rất nhanh, dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho.
BS Mai khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Khi con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Theo vị bác sĩ này, giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định từ ngày mai (12/3), nền nhiệt tăng dần ở miền Bắc và sẽ bắt đầu có hiện tượng nồm nhẹ, sau đó sẽ gia tăng vào những ngày tiếp theo.
Nền nhiệt về đêm và sáng phổ biến dưới 20 độ C, cao nhất không quá 23 độ, cùng với mưa phùn và sương mù khiến khói bụi không thể khuếch tán, làm gia tăng ô nhiễm không khí.
Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trong đó cần lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm trong thời tiết này như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...
Cụ thể, với bệnh thủy đậu, dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Sốt virus, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.
Bệnh sởi, là bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh, thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy bệnh lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, các căn bệnh hô hấp, trẻ thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.
Bệnh tiêu chảy cấp cũng là bệnh dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong
"Khi trời nồm ẩm, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do vậy, để phòng bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống, làm khô không gian sống; Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân; Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Với trẻ nhỏ cần lưu ý tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn", bác sĩ Mai khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận