Quản lý

Mỏ cát thứ 6 theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp bắt đầu khai thác

03/02/2024, 17:51

Mỏ cát thứ 6 được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho nhà thầu thi công cao tốc trực tiếp khai thác đã bắt đầu khai thác từ ngày 3/2/2024, phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Mỏ cát này thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) được bàn giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác theo cơ chế đặc thù.

Mỏ cát thứ 6 theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp bắt đầu khai thác- Ảnh 1.

Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp phối hợp thực hiện khai thác 4/6 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù.

Nhộn nhịp công trường khai thác cát

Có mặt tại buổi lễ khởi công khai thác cát tại mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), PV Báo Giao thông nhận thấy không khí làm việc những ngày giáp tết Nguyên đán rất khẩn trương, hối hả. Ai nấy đều tất bật để đưa cát về công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Chu Đình Tưởng, Giám đốc chi nhánh CC1 tại Đồng Tháp cho biết, mỏ cát này có diện tích 29,02ha, với tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác trên 1,4 triệu m3.

Tuy nhiên, việc khai thác không vượt quá 118.547m3/tháng và không vượt quá 3.900m3/ngày. Mức sâu khai thác thấp nhất đến mức âm 17m và phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên.

Thời gian hoạt động của dự án là 1 năm 6 tháng, trong đó thời gian khai thác là 1 năm, thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.

Với 3 xáng cạp, dung tích gàu 3,5m3, 15 công nhân bắt đầu khai thác từ 7-17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm.

"Đây là mỏ cát thứ hai được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho CC1 trực tiếp khai thác để đưa về phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tuỳ theo tình hình hoạt động, chúng tôi sẽ cho tổ chức khai thác xuyên tết Nguyên đán để sớm đưa cát về công trường thi công cao tốc theo quy định", ông Tưởng cho biết thêm.

Mỏ cát thứ 6 theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp bắt đầu khai thác- Ảnh 2.

Mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự là mỏ cát thứ hai được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP trực tiếp khai thác theo cơ chế đặc thù.

Do không đủ nguồn lực nên mỏ cát thứ hai được Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù vẫn được CC1 phối hợp cùng Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp tổ chức thực hiện khai thác.

Ông Vũ Văn Bình, Trưởng Phòng Khai thác, Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho biết, để hỗ trợ CC1 khai thác mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, đơn vị đã bố trí những nhân viên có kinh nghiệm khai thác cát từ 10 năm trở lên đến làm việc.

Anh Huỳnh Công Huy (46 tuổi), nhân viên khai thác cát thông tin: "Trước khi đến đây làm việc, tôi đã được công ty quán triệt làm đúng theo giấy phép, cao độ, cao trình và đúng theo mỏ đã được quy định khai thác".

Nâng trữ lượng và sử dụng cát biển

Ông Trần Minh Doanh, Phó tổng giám đốc CC1 cho biết, gói thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 10km.

Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang cần hơn 600.000m3 cát và đoạn Hậu Giang - Cà Mau cần trên 360.000m3 cát. Với số lượng cát hai mỏ được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cát đắp nền thực hiện dự án.

"Mỗi ngày, phía công ty cần 10.000m3 cát đắp nền thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Thế nhưng, thực tế hai mỏ cát đã được cấp, chúng tôi khai thác tối đa chỉ đạt trên 6.000m3/ngày. Do vậy, công ty mong muốn được nâng trữ lượng khai thác cát nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách công việc được giao", ông Doanh nói.

Mỏ cát thứ 6 theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp bắt đầu khai thác- Ảnh 3.

Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP đề nghị nâng trữ lượng khai thác cát hàng ngày tại mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù.

Cũng theo ông Doanh, tuỳ vào cấu tạo địa chất, mỗi đoạn tuyến trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có thời gian gia tải khác nhau nhưng trung bình thì cũng dao động từ 8-10 tháng.

Do vậy, để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công, phía công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ đánh giá tác động môi trường với mục đích nâng trữ lượng khai thác cát đối với các mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù.

Đồng thời, kiến nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn sử dụng cát biển trong việc đắp nền đường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để có thể đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư đề ra.

Trước đó, CC1 được tỉnh Đồng Tháp bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành có công suất 547.000m3/năm.

Mỏ cát do CC1 phụ trách khai thác thuộc xã Phú Thuận B là mỏ cát thứ sáu trong tổng số 7 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đã được khai thác, với tổng trữ lượng hơn 4,8 triệu m3.

Mỏ cát còn lại với trữ lượng khoảng 800.000m3 đã hoàn tất mọi thủ tục và sẽ được nhà thầu tổ chức lễ khởi công khai thác vào ngày 7/2/2024, tức là vào ngày 28/12 âm lịch tới.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.

Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.