Quyết tâm mở ga mới
Chúng tôi có dịp đến các đơn vị đường sắt đỉnh đèo Hải Vân, nơi được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, nhưng không phải bằng tàu vì tàu khách chỉ dừng tác nghiệp, không mở cửa đón tiễn khách.
Vì vậy, chúng tôi phải đi đường bộ, nghĩa là đi bằng ô tô theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên vị trí phía trên khu ga, rồi từ đó cuốc bộ, lao dốc đường mòn trong rừng, chỗ lổn nhổn đá, chỗ trơn trượt, dài đến cả cây số mới tới nơi.
Ga trên đỉnh đèo Hải Vân
Đến nơi, thấy khu ga lẻ loi giữa rừng núi, phía trước là vực sâu, là biển, phía sau là núi, đá mồ côi chỉ chực rơi hay sạt lở vào mùa mưa bão. Xung quanh không một bóng nhà dân, muốn đến khu ga kế tiếp ít nhất cũng 5- 6km đường sắt…
Cả khu ga gồm ga đỉnh đèo Hải Vân, cung đường, cung thông tin nho nhỏ tọa trên dẻo đất mấy trăm mét bám theo sườn núi, ở độ cao cách mặt nước biển khoảng 500m.
Để có được khu ga “nho nhỏ” như thế, những năm 2004-2007, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân đường sắt đã phải bám đèo hàng tháng, hàng năm, vượt qua bao khó khăn để “chinh phục” địa hình, địa chất và các yếu tố kỹ thuật để xây dựng ga mới.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, người trước đây trực tiếp quản lý dự án mở ga nhớ lại, đầu những năm 2000, đường sắt qua đèo Hải Vân luôn là “điểm nghẽn” về năng lực thông qua trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Lý do là địa hình đường sắt “leo núi” cần sức kéo lớn, nhưng lại là đường độc đạo, dài khoảng 22km. Hai ga lưng chừng đèo trước khi leo lên đỉnh đèo là ga Hải Vân Bắc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và ga Hải Vân Nam (Đà Nẵng) lại cách xa nhau.
Do đó, trường hợp 2 đoàn tàu cần qua đèo, thì một tàu phải chờ ở ga Hải Vân Bắc hoặc ga Hải Vân Nam để tàu kia “leo” chậm qua đến ga bên kia.
Phải chờ mất hơn một giờ đồng hồ, tàu còn lại mới được xuất phát nên ảnh hưởng đến năng lực, số đôi tàu thông qua khu vực đèo trong một ngày/đêm. Ngoài ra, trên đỉnh đèo cheo leo, khi tàu gặp sự cố, việc cứu chữa khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
Nhằm tăng năng lực thông qua, tạo thuận lợi cho vận tải, gia tăng đảm bảo an toàn trên đèo, ngành Đường sắt đã quyết tâm mở ga mới trên đỉnh đèo dù biết trước là sẽ vô cùng khó khăn.
Đánh dấu mốc son mới
Đoạn đường sắt trước khi vào ga trên đỉnh đèo Hải Vân
Trước đây, khi xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam, thực dân Pháp cũng đã muốn mở ga đỉnh đèo nhưng không được do địa hình, địa chất không cho phép, lại đòi hỏi về kỹ thuật, công nghệ cao.
Khu vực này địa hình hiểm trở, đặc điểm địa chất phức tạp, hay sụt trượt, nhất khi mưa bão nên để xây dựng khu ga kiên cố, lại cần mặt bằng rộng không đơn giản.
Vì “mở” ga không có nghĩa chỉ xây một nhà ga nhỏ để tác nghiệp kỹ thuật mà còn đặt thêm đường ga để hai tàu có thể chờ tránh, vượt trên đỉnh đèo; đặt thêm đường lánh nạn, tránh trôi dốc; xây trụ sở làm việc của cung đường, cung thông tin, nhà lưu trú cho CBCNV công tác thường trực.
Hơn nữa, mặt bằng thi công chật hẹp, không đưa nhiều nhân lực, máy móc, thiết bị đến được. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị không có đường bộ nên đều trông vào các chuyến tàu công trình theo đường sắt độc đạo leo núi.
“Khảo sát, tính toán kỹ lắm rồi, nhất là tìm được vị trí mở ga vì cần mặt bằng rộng để đặt thêm đường ga. Vậy mà quá trình thi công vẫn xảy ra những tình huống về địa chất ảnh hưởng đến tiến độ thi công, phải thay đổi cả thiết kế, phương án thi công.
Nếu trước chỉ định kè bê tông cốt thép móng nặng, thì sau phải làm cọc khoan nhồi để nâng cao độ ổn định cho khu ga. Làm từng mét nền đường, đặt từng thanh ray đã vất vả, đã vậy mưa bão là lại đối mặt với sụt trượt, đất đá trôi từ trên núi xuống lấp công trình đang thi công”, ông Mạnh kể.
Tổng công ty Đường sắt VN đã huy động các đơn vị thi công tinh nhuệ, các chuyên gia đầu ngành, dồn lực khắc phục, quyết tâm mở thành công ga mới. Khu ga đỉnh đèo Hải Vân hoàn thành là niềm tự hào của ngành Đường sắt vì đã chinh phục được thiên nhiên, chinh phục được đỉnh đèo Hải Vân, đánh dấu mốc son trong truyền thống ngành.
Ga Hải Vân hoàn thành đưa vào khai thác đã đạt hiệu quả cao, năng lực khai thác vận tải từ 17 đôi tàu tăng lên 22 đôi tàu/ngày đêm, lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của toàn tuyến Thống Nhất tăng, làm lợi cho ngành Đường sắt mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Leo máy xúc tuột dốc núi để giải tỏa đất sạt lở
Ông Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt, người trực tiếp tham gia chỉ đạo thi công công trình ga đỉnh đèo Hải Vân vẫn không thể nào quên những ngày tháng đáng nhớ đó.
Ông Huyền kể, đây là công trình trọng điểm của ngành Đường sắt, khi ấy ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty vẫn đích thân lên làm tổng chỉ huy tại công trình. Vì có khó khăn gì, ông có thể quyết ngay để công trình được thi công đúng tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng.
Khó khăn, các tình huống nảy sinh về kỹ thuật thì nhiều nhưng ông không thể quên được tình huống đích thân leo máy xúc trượt xuống núi.
Công trình khi ấy vẫn đang thi công, nhưng khoảng 19h tối 27/8/2005, mưa bão đã làm sạt lở 4.000m3 đất đá, vùi lấp hàng trăm mét đường sắt. Trong tình hình cấp bách, cần phải giải phóng đường sắt sớm vì đường bộ cũng bị tắc nghẽn.
Khoảng 22h, Tổng công ty Đường sắt VN giao nhiệm vụ phải thông tuyến sau 12 giờ, nghĩa là 10h sáng hôm sau phải hoàn thành. Ông huy động toàn bộ CBCNV đang thi công tại công trình tập trung về địa điểm xung yếu nhất và đưa ra phương án chuyển 5 máy đào xúc, máy ủi xuống điểm bị sạt theo dốc núi thẳng đứng.
Đây là phương án tiết kiệm được 8 giờ di chuyển máy nhưng rất nguy hiểm độ vì dốc cao, dài, khoảng 250m, nếu không cẩn thận cả máy và người điều khiển có thể lao xuống vực… 5 công nhân lái máy xúc đều băn khoăn, e sợ.
“Tôi và cậu Minh người Hà Tĩnh đi ra máy xúc, bàn phương án kỹ thuật điều khiển máy, sử dụng cần xúc, gầu xúc làm điểm neo giữ cân bằng máy, đồng thời chống lao dốc, lật máy mà trượt xuống. Tôi bảo: “Tau ngồi một bên, mi ngồi một bên, để cả hai cửa mở để nếu có vấn đề là nhảy nhanh ra ngoài. Mỗi người một cái đèn pin để soi đường”. Tôi với cậu ta hút thuốc để lấy tinh thần.
Rồi chúng tôi leo lên, nổ máy, vào số 1, nhích ga dần dần, ra đến rìa dốc, chúc cần xúc xuống rồi cho máy trượt xuống, chưa đầy 1 phút đã đến nơi an toàn. Tôi lại leo lên các máy khác, cùng anh em lần lượt đưa máy xuống. Chưa đầy 5 phút, các máy xúc đã xuống đến điểm sạt lở, tôi thưởng cho mỗi anh 5 triệu đồng. Rồi chia nhau xúc đất để giải phóng đường.
Tôi treo thưởng: Nếu trước 10h sáng mai xong, thông đường, mỗi anh được 20 triệu đồng. Khoảng 9h sáng hôm sau đã xúc xong, anh em khác tập trung dọn đường, đến 10h kém đã thông đường”, ông Huyền kể lại giây phút hồi hộp, căng thẳng tưởng như chỉ có trong phim hành động.
Nhớ lại, ông Huyền bảo: “Không hiểu sao mình tin chắc sẽ thành công, dám quyết như vậy, không sợ chi, chứ hắn mà lao xuống vực thì còn chi mà ngồi đây nói chuyện!”.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh cho biết, ngay sau khi ga Hải Vân hoàn thành, mùa mưa bão năm 2007 trên khu vực này lại xảy ra sạt lở nghiêm trọng, với hơn 80 điểm, gây ách tắc giao thông đường sắt. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho thực hiện dự án gia cố đường sắt đèo Hải Vân theo lệnh khẩn cấp với nhiều công trình quan trọng như làm kè ta luy, làm hầm lộ thiên...
Công trình hoàn thành từ năm 2009, đến nay đã góp phần đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu qua lại trên đèo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận