Hạ tầng

Mở rộng cầu Phú Xuân, gỡ “nút thắt” giao thông cố đô Huế

16/01/2018, 07:10

Mặc dù phải thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công trường chật hẹp nhưng các cán bộ kỹ sư thi công...

4

Các công nhân đội mưa thi công sửa chữa mặt cầu Phú Xuân

Gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông cho cố đô

Dự án sửa chữa cầu Phú Xuân là một trong số các dự án cấp bách giảm thiểu ùn tắc và TNGT do Tổng cục Đường bộ VN ủy quyền cho Cục QLĐB II làm đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông. 

Theo tìm hiểu, cầu Phú Xuân, bắc qua sông Hương được đưa vào khai thác từ những năm 1975 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm khai thác, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp, mặt cầu hẹp chỉ 12m nên không theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng phương tiện ở TP Huế. Cây cầu trở thành một trong số điểm nghẽn về giao thông của cố đô, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Với mục đích sửa chữa và mở rộng mặt cầu, giải quyết nút thắt hạ tầng cho TP Huế, giữa năm 2017, Tổng cục Đường bộ VN đã quyết định dành hơn 26 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng cầu Phú Xuân từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

Ông Lê Quốc Phòng, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.6 thuộc Cục QLĐB II cho biết: Theo thiết kế, khi sửa chữa, mở rộng, cầu Phú Xuân sẽ được bổ sung mỗi nhịp 2 dầm ở hai bên, mỗi bên mở rộng 2m. Khổ cầu được mở rộng từ 17,4m lên 19,4m, phần mặt cầu xe chạy được nâng từ 12m lên 16m; Phần đường bộ hành 2 bên được thu hẹp từ 2,7m xuống còn 1,7m; ngoài ra còn bổ sung các dầm ngang, sửa chữa xà mũ, thay thế gối kê dầm các khe co giãn hư hỏng, hệ thống lan can điện chiếu sáng…

“Theo hợp đồng, cầu Phú Xuân được thi công từ tháng 9/2017, dự kiến đến tháng 9/2018 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do cầu nằm ngay giữa trung tâm TP Huế, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nên yêu cầu tiên quyết của dự án là phải đảm bảo tuyệt đối ATGT và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới giao thông, du lịch hiện hữu. Vì vậy, phải đến đầu tháng 12/2017, nhà thầu mới bắt đầu thi công”, ông Phòng cho biết thêm.

Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn

Ông Nguyễn Nam Trung, Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông cho biết: Tính đến 14/1, đơn vị đã phá được 8/15 nhịp dầm bên trái tuyến, sửa 3/14 xà mũ trụ T1-T3, đúc 10/30 dầm và đã lắp đặt dầm mới được 4 nhịp. “Với tiến độ này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ đưa công trình về đích trước thời hạn. Muộn nhất là 15/8 sẽ thông cầu”, ông Trung khẳng định.

Ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLĐB II: Đối với dự án sửa chữa cầu Phú Xuân, ngoài việc đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công, Cục luôn đặt ra yêu cầu với nhà thầu là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, ATGT. Cục cũng giao cho Chi cục 6 - đơn vị đóng trên địa bàn thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đôn đốc nhà thầu thực hiện tốt công tác này.

Kỹ sư Võ Thanh Hải, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Kể từ khi bắt tay vào thi công dự án (4/12) tới nay, đơn vị đã bố trí 4 mũi thi công, trong đó: 1 mũi đúc dầm làm việc ở cách công trường 19km, 2 mũi làm cầu và 1 mũi chuyên đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường. Tổng số kỹ sư công nhân trên công trường luôn là 35 người. Ngoài ra, công ty cũng cắt cử 1 phó giám đốc giàu kinh nghiệm thi công cầu trực tiếp vào chỉ huy thi công, điều phối công việc chung.

Kỹ sư Hải cho biết: Vất vả nhất là khi thời tiết mưa liên tục. “Tháng 12, có 30 ngày thì 24 ngày mưa, chúng tôi phải liên tục điều chỉnh biện pháp thi công. Mưa nhỏ, anh em căng bạt làm trước phần thô; mưa lớn thì thu quân về làm ván khuôn, khung thép; Tạnh ráo thì huy động 100% kỹ sư, công nhân luân phiên làm việc 3 ca/ngày. Tất cả các công việc đều phải thực hiện theo phương pháp cuốn chiếu, bởi bề rộng vị trí thi công chỉ có 5m”, kỹ sư Hải cho hay.

Nói về sáng kiến đưa túi Jumbo vào hứng vật liệu thải trong lúc phá cầu, ông Trung cho biết: “Lúc đầu chúng tôi kê ván, đặt bạt lót để ngăn vật liệu thải rơi xuống lòng sông gây nguy hiểm cho tàu thuyền lưu thông bên dưới. Tuy nhiên, quá trình hót dọn, thanh thải thủ công tốn quá nhiều thời gian, lại gây cản trở thi công nên chúng tôi phải tìm cách khác. Sau nhiều lần thử nghiệm các phương án khác nhau, cuối cùng chúng tôi đã nghĩ ra cách đặt túi jumbo (túi đựng hàng hóa rời, chịu tải sức nâng tới 1 tấn) trực tiếp hứng vật liệu thải. Khi kết thúc ca làm việc chỉ cần đưa xe cẩu nhỏ vào nâng lên xe tải là đưa đi. Vì vậy, công trường luôn sạch bong, không bụi rác, thời gian thanh thải công trường giảm còn một nửa”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.