Bạn cần biết

Mổ xẻ “lỗ hổng” pháp lý xử lý xâm hại trẻ em

29/03/2017, 13:17

Một số đề xuất nhằm “trám” lỗ hổng pháp lý trong xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em...

7

Quy định xử lý xâm hại tình dục trẻ em còn nhiều bất cập (ảnh minh họa)

Một số đề xuất nhằm “trám” lỗ hổng pháp lý trong xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đã được đề cập đến trong tọa đàm “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?”, diễn ra chiều qua (28/3).

Hơn 80% các vụ xâm hại tình dục trẻ nhỏ “đứt gánh”

Trao đổi với Báo Giao thông, LS. Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci cho biết, hơn 80% các vụ xâm hại tình dục trẻ em “đứt gánh” giữa đường không được đưa ra ánh sáng. Với nhiều năm, hỗ trợ pháp lý cho nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục, ông Tú cho rằng, có 4 nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này: Khó khăn về chứng cứ, định kiến, cách bồi thường và mức độ bồi thường, hỗ trợ nạn nhân.

Ông Tú phân tích: Người thực hiện hành vi dâm ô thường nhanh chóng xóa dấu vết, tẩu tán chứng cứ. Do vậy, việc thu thập chứng cứ xác định người, tính chất, mức độ phạm tội rất khó khăn. Mặt khác, định kiến xã hội về tình dục vốn coi là tế nhị nhưng lại ít được quan tâm bảo vệ, quyền được bảo vệ. Vì vậy, nhiều người tìm đến những cách giải quyết khác nhau mà không tìm đến giải pháp pháp luật. Từ những người liên quan đến vụ việc như nạn nhân, gia đình, kẻ bạo hành, người thực thi pháp luật cũng có cách giải quyết khác như hòa giải, mà chưa đối chiếu vào điều luật hình sự.

"Nạn nhân các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em khó có thể tiếp cận với pháp lý. Thực tế, quá nhiều gia đình nạn nhân bị xâm hại tình dục phải bỏ cuộc vì vấn đề này”.

Bà Nguyễn Vân Anh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ

Về vấn đề bồi thường, pháp luật, hiện trong Bộ luật Hình sự mới chỉ tính đến tổn hại về sức khỏe, 1 chút về tinh thần… tất cả đều quy ra tiền nhưng cũng rất ít, trong khi nạn nhân bị tổn hại rất lớn. Việc bồi thường không thỏa đáng, thậm chí quá thấp... khiến chính gia đình các nạn nhân cũng có suy nghĩ đưa vụ việc ra pháp luật hình như còn gây tổn thương, mất nhiều hơn so với những tổn thương họ đã và đang phải chịu. Hơn nữa, cơ chế hỗ trợ nạn nhân để giảm bớt những tổn thương, gần như chưa có.

Còn theo LS. Lê Luân, Văn phòng LS Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn LS TP Hà Nội, với Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009 và sắp tới được thay thế bằng Bộ luật Hình sự 2015 có bổ sung thêm một tội danh liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em nhưng với mức phạt còn khá nhẹ. “Khái niệm dâm ô hoàn toàn vắng mặt trong các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi dâm ô còn chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau, nên gây nhiều khó khăn trong việc xử lý hình sự và trong thủ tục tố tụng đối với chứng cứ liên quan đến tội danh “dâm ô trẻ em”, ông Luân cho biết.

Cũng theo ông Luân, trên thực tế, hành vi dâm ô có thể để lại hoặc không để lại thương tổn, dấu vết trên cơ thể người xâm hại, nên việc “chờ đợi” mang tính đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi dâm ô là một thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam.

Sửa đổi luật thế nào?

LS. Lê Luân cho rằng, cần cụ thể hóa và phân hóa rõ ràng đối với hành vi dâm ô về mặt nội hàm pháp lý. Ví như, quy định dâm ô không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp cơ thể nạn nhân mà có thể là bất kỳ hành vi quấy rối tình dục gián tiếp như gạ gẫm, gợi ý, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận hành vi tình dục một cách thụ động và từ xa thông qua giác quan như nghe, nhìn… thì đều được hiểu là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm.

Ông Luân cũng đề xuất: “Cần bổ sung thêm 4 loại tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em đối với hành vi dâm ô. Thứ nhất, tội chủ định gặp trẻ với mục đích dâm ô; Thứ hai, tội chủ ý khiêu dâm với trẻ em; Thứ ba, tội chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục và thứ tư là tội chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em”.

Liên quan đến quá trình tố tụng đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, LS. Tú đề xuất: “Chúng ta cũng nên học hỏi ở nước ngoài với việc hỏi cung không hỏi trực tiếp trẻ, nên hỏi thông qua chuyên gia tâm lý, chuyển thể những câu hỏi mang tính pháp luật cứng nhắc thành những câu hỏi tâm lý, để tiếp cận tâm lý nạn nhân là trẻ em, giảm thiểu áp lực, nỗi đau tâm lý. Bởi, thực tế hiện nay, trong quá trình từ lúc bắt đầu đến khi khép lại vụ án, thậm chí trẻ phải trả lời điều tra viên đến hàng chục lần. Quá trình tố tụng hiện vắng bóng những người có kỹ năng làm việc với trẻ em. Do vậy, vụ việc liên quan đến trẻ em, ngoài thu thập chứng cứ với những biện pháp đặc biệt, còn cần đảm bảo các yếu tố thân thiện, khoa học và buộc phải có sự tham gia của chuyên gia về trẻ em”.

Về hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, hiện mới quan tâm đến mức độ hành vi, tính chất hành vi để lượng hình khung hình phạt… “Riêng với chế định này, cần quy định hình phạt tỷ lệ nghịch với tuổi trẻ em. Ví như cùng hành vi sờ soạng, nếu thực hiện với trẻ 17 tuổi có thể phạt 500.000 đồng, nhưng với trẻ nhỏ 3 tuổi có thể tù giam 10 năm… Do trẻ càng nhỏ càng thiếu ý thức và tự vệ, thiệt hại về tâm lý, sức khỏe càng lớn”, ông Tú nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.