Thời sự Quốc tế

Một "mảnh đất" tiềm năng hàng nghìn tỷ USD mà Việt Nam còn bỏ ngỏ

29/06/2022, 06:30

Đó chính là ngành Halal đầy tiềm năng mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế lớn nhưng lại chưa tận dụng được.

Dự báo thị trường thực phẩm Halal sẽ trị giá 15.000 tỷ USD vào năm 2050

Ngày 28/6, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội.

Sự kiện thu hút khoảng 300 đại biểu từ hơn 100 điểm cầu trong nước và quốc tế tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ định nghĩa về tiêu chuẩn Halal và triển vọng của ngành này. Tiêu chuẩn "Halal" có nghĩa là những tiêu chuẩn được phép sử dụng theo Luật Hồi giáo. Chẳng hạn, thực phẩm Halal là những sản phẩm được cho phép để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt bao trùm toàn bộ quy trình từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến và vận chuyển...

img

Toàn cảnh Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”

Đơn cử như tiêu chuẩn về giết mổ động vật để lấy thịt: Người giết mổ thịt phải nói trước từ Allah (nghĩa là chúa trời). Động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; Động vật phải còn sống trước khi giết mổ; Thịt Halal không dính máu. Sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra.

Theo tiêu chuẩn Halal, không phải ai cũng được giết mổ, động vật phải được giết mổ bởi người Hồi Giáo hoặc người Do Thái….

Tiêu chuẩn Halal rất khắt khe nhưng triển vọng trong ngành này rất lớn. Theo ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, dự kiến từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Ngoài thực phẩm, các sản phẩm Halal khác như dược phẩm, mỹ phẩm... và dịch vụ du lịch tiêu chuẩn Halal sẽ còn nhiều triển vọng phát triển.

img

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết Việt Nam (VN) có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu và vị trí địa lý. Khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á, điển hình là Indonesia – quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới nhưng là thị trường tiềm năng và không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào như cafe, gạo, gia vị, đậu hạt, rau củ quả… chất lượng mà còn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các FTA thế hệ mới.

Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay, VN lại có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ các nhà cung ứng sản phẩm này theo tiêu chuẩn Halal. Theo ông Hiệu, hiện có gần 60 tỉnh thành có các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận Halal.

img

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu

"Điểm nghẽn" của Việt Nam là gì?

Theo các địa phương và doanh nghiệp, nhất là Thanh Hóa, Bắc Giang, khó khăn đối với sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal, đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao.

Hiện ta chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng đối với sản phẩm Halal và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng...

Điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.

Nhiều sản phẩm của địa phương Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng chưa có chứng nhận Halal. Hơn nữa, đối với tổ chức chứng nhận Halal, lãnh đạo và các chuyên gia đánh giá phải theo đạo Hồi... trong khi nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí này còn rất hạn chế.

Cần làm gì để khơi thông?

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã chỉ ra một số vấn đề Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển thị trường Halal; chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal.

Để tận dụng được cơ hội, tiềm năng, các đại biểu khuyến nghị VN cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu và đề xuất khả năng hợp tác giữa VN và các nước trong lĩnh vực Halal.

img

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận thứ nhất về thực trạng và triển vọng phát triển ngành Halal tại Việt Nam

Chẳng hạn, VN cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa VN với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Nhiều đại biểu, nhất là các doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.

img

Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận thứ hai về tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những ý kiến đóng góp thực chất và tâm huyết của các diễn giả, đại biểu tham dự Hội nghị.

Ông Nam cho rằng đây là những chia sẻ, đề xuất thiết thực đối với Việt Nam trong việc xây dựng định hướng phát triển toàn diện ngành Halal đến năm 2030.

Ông Nam khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, nhằm tạo thêm động lực mới cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.