Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp |
Ngày 8/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường quy định vị trí, chức năng, tổ chức; Hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý thị trường. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016.
Lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các quy định trong Pháp lệnh đụng chạm đến quyền tự do sản xuất kinh doanh của công dân được hiến định. Do đó, đề nghị cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Còn Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiến tới tổng kết nâng lên thành Luật Quản lý thị trường. “Bởi vệ sinh an toàn thực phẩm là “từ cánh đồng đến mâm cơm”, trong khi đó ra Quốc hội chất vấn thì ông Nông nghiệp bảo ông Công thương, ông Công thương lại đổ do bà Y tế”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, Luật này sẽ như đèn xanh, đèn đỏ và người bấm nút là lực lượng quản lý thị trường.
“Ông Nông nghiệp bảo chỉ lo ở cánh đồng thôi, nông sản chạy vào chợ thì lại quản lý thị trường, nhưng quản lý thị trường muốn xem con gà đó có ăn cái này cái kia không thì lại quay về ông Nông nghiệp. Rất cắt khúc. Cho nên phải tiến tới làm luật, chứ không các Bộ lại đổ cho nhau, mà cuối cùng dân "chịu trận" hết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận