Đời sống

Một người trồng trụ bê tông chắn đường, hàng chục hộ trồng keo "kêu cứu"

08/05/2020, 16:43

Một người dân ở xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định) ngang nhiên trồng trụ bê tông chắn đường vận chuyển keo của hàng chục hộ dân khác.

img
Dãy trụ bê tông bà Trương Thị Phúc trồng lên để chặn đường người dân vào khai thác keo. Ảnh: Quang Đạt

Những ngày đầu tháng 5, PV Báo Giao thông nhận được đơn "cầu cứu" của hàng chục hộ dân ở thôn Cửu Thành (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) về việc một cá nhân ngang nhiên trồng trụ bê tông chắn giữa đường, không cho xe vào rừng vận chuyển gỗ keo.

Đáng nói, đây là những diện tích trồng keo thuộc dự án trồng rừng và đã đến chu kỳ khai thác nhưng không thể đưa phương tiện vào khiến nhiều người bức xúc.

Tìm hiểu vụ việc, PV được người dân dẫn đến một ngọn đồi có tục danh Đèo Mọi. Tại đây, nhiều diện tích keo đã đến mùa khai thác. Tuy nhiên, khi đến "cửa rừng", PV bị chặn lại bởi một dãy trụ bê tông được chắn ngay ngắn giữa đường, muốn vào sâu hơn chỉ có thể đi bộ.

Theo người dân, đây là các trụ mà bà Trương Thị Phúc (trú thôn Cửu Thành) ngang nhiên trồng giữa đường để "cấm" người dân vào khai thác keo. Nhẩm đếm, có khoảng 30 trụ bê tông, mỗi trụ cao gần 2m được trồng trên con đường dài chừng 300m.

Theo trình bày của 12 hộ dân ở thôn Cửu Thành, dự án trồng rừng WB3 triển khai năm 2005 tại khu vực Đèo Mọi - thuộc thôn Cửu Thành và thôn An Tường (xã Mỹ Lộc), họ có khoảng 35 ha đất lâm nghiệp trồng keo.

Toàn bộ diện tích này đã được UBND huyện Phù Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích trồng rừng sản xuất. Từ năm 2005 đến nay, các hộ dân trồng rừng ở đây đã khai thác được 3 chu kỳ.

Đầu tháng 3/2020, các hộ dân tiến hành tu sửa con đường dẫn vào Đèo Mọi để đưa phương tiện, máy móc vào chuẩn bị khai thác keo theo chu kỳ thứ tư. Tuy nhiên, do bà Phúc trồng trụ bê tông giữa đường khiến xe cơ giới không vào được nên đến nay các hộ dân chưa thể khai thác.

Đáng nói, đây là con đường độc đạo nối từ tuyến giao thông liên xóm vào khu vực Đèo Mọi. Muốn vào khai thác keo chỉ có thể đi qua con đường này.

Ông Trương Văn Chánh, một trong 12 hộ trồng rừng thuộc dự án WB3 tại khu vực Đèo Mọi cho biết, mình có khoảng 2ha keo đã đến chu kỳ khai thác.

Tuy nhiên, do diện tích keo của mình nằm trên còn diện tích keo của bà Phúc nằm dưới, mà bà này lại làm đường bê tông chắn giữa đường nên phương tiện không thể ra vào khai thác được.

“Chúng tôi đã làm đơn báo cáo vụ việc đến UBND xã Mỹ Lộc, nhưng hơn 2 tháng qua chưa được giải quyết dứt điểm.

Mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm giải quyết, trả lại đường đi chung để gỗ keo được khai thác đúng chu kỳ. Chứ cứ để dây dưa, mùa mưa đến sẽ không thể nào khai thác được”, ông Chánh bức xúc.

img
Nhiều ha keo đến chu kỳ khai thác nhưng vẫn nằm chờ được "mở đường" do bà Phúc trồng trụ bê tông chắn phương tiện ra vào. Ảnh: Quang Đạt

Ông Trần Ngọc Thạnh, Trưởng thôn Cửu Thành (xã Mỹ Lộc) cho biết: Đường vào Đèo Mọi là đường đi chung của bà con trong thôn, phục vụ mục đích vận chuyển lâm sản, đã có từ thời xa xưa.

Gần đây, bà Phúc mua của ông Ngàn (trú thôn An Tường) một thửa đất nằm ở đầu con đường đi vào Đèo Mọi. Bà Phúc trồng trụ bê tông chặn giữa đường vì cho rằng đã mua cả đất lẫn đường nên có quyền rào chắn để giữ đất?!.

Theo xác định của UBND xã Mỹ Lộc, thửa đất ông Ngàn bán cho bà Phúc là đất nông nghiệp, nằm ở đầu đường ra vào Đèo Mọi, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời khẳng định việc mua bán này không đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, trên thửa đất nông nghiệp mà ông Ngàn bán cho bà Phúc đang trồng cây lâm nghiệp. Đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) cho biết: UBND xã đã mời bà Phúc và những người liên quan làm việc.

Qua đó, yêu cầu bà Phúc tự giác tháo dỡ các trụ bê tông đã trồng trên đường đi chung, trả lại hiện trạng như trước. Tuy nhiên, bà Phúc không chấp hành, tiếp tục trồng trụ lấn chiếm đường đi chung.

“Hiện UBND xã giao các ngành chuyên môn xác minh nguồn gốc thửa đất ông Ngàn bán cho bà Phúc. Ngoài ra, xác định quá trình hình thành, vị trí cụ thể con đường dẫn vào khu vực Đèo Mọi. Sau khi có đủ cơ sở pháp lý về đất đai, địa phương sẽ tiến hành xử lý hành vi trồng trụ, lấn chiếm đường đi chung của bà Phúc theo đúng quy định pháp luật”, ông Nhanh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.