Âm nhạc

Mr Đàm: Mọi người gán cho tôi danh hiệu là '1 trong 2 người có công mang bolero sống lại'

Là một ca sĩ "thính" với thị trường âm nhạc, bắt trend tốt, hiểu mình mạnh yếu những gì, Mr Đàm linh hoạt trong các dự án âm nhạc với nhiều màu sắc phong phú, tạo nên cơn sốt và bolero là ví dụ điển hình. Anh chia sẻ hậu trường dự án kéo dài 18 năm.

Bùng nổ bolero

18 năm để làm 10 album trong dự án "Dạ khúc cho tình nhân" là một khoảng thời gian quá dài, ý tưởng nào khiến anh làm một dự án dài hơi như vậy?

Mr Đàm: Mọi người gán cho tôi danh hiệu là '1 trong 2 người có công mang bolero sống lại'- Ảnh 1.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Dòng nhạc xưa, bolero thời điểm 2005 - 2006 đang mai một, không có cửa sống. Tôi "đánh hơi" được cái mùi của thị trường và đón đầu xu thế luôn. Năm 2002 tên tuổi Mr Đàm mới bùng nổ, khi tôi trở thành ngôi sao có 2-3 năm thôi là đã phải lựa chọn, chuẩn bị một con đường khác cho mình.

Kho tàng nhạc xưa quá lớn, tôi bắt đầu lăn xả vào làm dự án âm nhạc đàng hoàng. Tôi chọn cái tên "Dạ khúc cho tình nhân", bởi khi đó lấy cái tên rất khó, "Tình ca muôn thủa" lúc ấy đã có chị Khánh Hà hát rồi.

Album đó là album đầu tiên ra 2 đĩa CD cùng một lúc luôn, một cái làm kiểu "sang" một cái làm kiểu "sến". Thành công vang dội tiếp theo là thành phẩm "Qua cơn mê" và "Chờ đông". Đó là lúc có dấu hiệu lục đục bắt đầu có sự trở lại của âm nhạc bolero đó. Thời điểm đó phải nói dự án nó "thắng" kinh khủng khiếp.

Lúc đó, đĩa bán ra được với số lượng kinh hoàng, cứ phải miệt mài in hoài để bán. Chưa kể thời điểm đó đĩa lậu còn hoành hành nữa mà đĩa của mình vẫn cháy hàng liên tục. Tôi tạo được tiếng vang quá lớn, vì "mình tôi một "chợ", đâu có ai phát hành đâu. Sau đó, vì quá thành công nên hàng loạt các ca sĩ mới làm theo.

Nhưng đâu phải ai cũng đủ duyên, đủ lực để theo nhạc xưa như anh?

Hát nhạc xưa phải có một kiến thức nhất định, hoặc là có một thời gian sống với nó, phải đắm chìm trong văn hóa đó. Vậy nên tất cả những thứ của ngày xa xưa không bao giờ lọt khỏi mắt tôi được hết, từ cái mùi hương xà bông gội đầu uốn tóc, cái váy, cái eo áo dài...

Bolero có những bài chỉ đàn ông mới hát được và ngược lại có những bài cũng chỉ đàn bà mới có thể hát. Như bài "Nỗi buồn đêm đông" chỉ phụ nữ mới hát được thôi, còn "Thành phố buồn" thì chỉ đàn ông mới hát được. Sau này, nhạc xưa thành công quá, thị trường âm nhạc mới bắt đầu kéo theo các cuộc gameshow "Bolero Sài Gòn", "Thần tượng bolero", "Song ca bolero"... nhà nhà người người khắp nơi bùng nổ kinh khủng.

Cho nên từ đó, tôi mới được mọi người gán cho danh hiệu là "1 trong 2 người có công mang bolero sống lại". Sống lại 100% luôn, sống mà bùng nổ khắp nơi luôn (cười).

Nhưng đúng là khi nhìn nhận lại, thời điểm đấy tôi là người tiên phong, sau đó thì tới Cẩm Ly. Hồi đó Cẩm Ly làm rất tốt, bởi chồng Cẩm Ly rất thích bolero nên Cẩm Ly làm cũng mê dòng nhạc này. Tuy nhiên, Cẩm Ly không làm dự án. Còn tôi làm tới nơi tới chốn.

Mashup Tuổi xa người - Đàm Vĩnh Hưng ft Trung Quân - Album số 10 Cho cuộc tình đã mất thuộc dự án Dạ khúc cho tình nhân.

Muốn tạo sự khác biệt

Không chỉ nhìn thấy được thị trường, anh còn biết tận dụng sự thành công của bolero, tạo ra sản phẩm phái sinh, ăn theo album nhạc xưa của mình?

Tôi làm nghệ thuật đều có tính toán, chuẩn bị kỹ càng, từ album rồi đến liveshow hay những đêm diễn đều rất rõ ràng concept, chủ đề nên mới nhanh thành công. Quan trọng là bên cạnh đó tôi vẫn phải trung thành với khán giả nhạc trẻ nữa, tôi phải đi so le đồng hành với các sản phẩm đó.

Cũng chính vì so le giữa nhạc trẻ và nhạc xưa nên tôi không bị mất thị phần. Album nhạc trẻ thì tôi ra theo mùa, theo thời cuộc thôi chứ không làm theo dự án như nhạc xưa.

Có những bài hát tôi không nghĩ là có một ngày tôi sẽ gặp lại được tác giả. Thế nhưng sau khi album phát hành, tôi đi diễn thì có người chạy tới ôm tôi.

Chú Phạm Mạnh Cương là tác giả của "Thương hoài ngàn năm", chú nói "Cảm ơn con đã làm cho bài hát của chú sống lại". Trời ơi, tôi nổi da gà nói: "Con mới cảm ơn chú chứ!.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Nếu thời điểm 2005-2006 thì các ca sĩ hải ngoại chưa đổ về Việt Nam, chuyện anh thắng lớn cũng cho dễ hiểu. Tuy nhiên, sau 18 năm, vì sao anh dừng ở album số 10?

Riêng về bolero, tôi hoàn toàn tin tưởng tới cùng. Lượng khán giả trung thành họ vẫn còn đó, sau này lại có thêm lứa mới nữa. Cứ như vậy tiếp nối, tôi chỉ biết là họ chưa kịp yêu một điều gì khác nên vẫn ngóng chờ mình thôi.

Kể cả khán giả nhạc trẻ của tôi, vì họ yêu tôi nên họ mới nghe và trung thành với bolero chứ bản chất họ cũng không phải fan của dòng nhạc này. Một lý do nữa là tôi hát bolero nhưng theo một chất riêng, tôi không hát theo lối lê thê, chậm rãi, não nề đâu, buồn nhưng nó sẽ phải dừng ở mức độ nào đó thôi, ra được cái hồn thuần túy của nó chứ không phải lúc nào đau khổ cũng là tốt.

Thậm chí, có những lúc tôi nghĩ tôi muốn chơi bolero theo nhiều cách khác nhau. Nếu không nhầm thời gian năm 2010, tôi còn bảo Đức Trí rằng, tôi muốn sử dụng hòa âm của trước những năm 1975, bây giờ lột hết những tiếng hát của mấy người kia ra được không?

Tôi muốn cái âm thanh đó, nó mới đúng cái chất của hồi xưa, như vậy nghe nó mới đã. Tôi cũng không ngại nếu phải trả tiền tác quyền cho các hãng nước ngoài, tôi mê tới mức đó cơ mà. Mà hồi đó máy móc không hiện đại nên Trí làm không được, giờ làm được rồi thì tôi chỉ dừng ở con số 10 thôi.

Nhưng sao không phải là số 11, 12?

Tôi sẽ làm dự án khác chứ không bao giờ có số 11, 12 tiếp theo đâu. Tất cả các dự án tôi chỉ làm đến số 10 là dừng lại hết. Vì tôi quan niệm rằng các số như 11, 12 toàn những số vay mượn của những số trước ghép vào thôi nên tôi không thích.

Mr Đàm ft Trúc Nhân - Mushup Dã từ, Đoạn buồn đêm mưa - Album số 10 Cho cuộc tình đã mất thuộc dự án Dạ khúc cho tình nhân.

Đầu tư chính đáng, thu lợi nhuận gấp 2, 3 lần

Album số 10 "Cho cuộc tình đã mất" này, anh mời Trúc Nhân, Trung Quân, Uyên Linh hát vì lý do gì?

Lâu nay tôi vẫn hát theo cách hát bolero cũ của mình. Nhưng với thời điểm 2, 3 năm trở lại đây, tôi thấy thị trường âm nhạc đã thay đổi. Tôi từng thức nhiều đêm để ngồi một mình nghe những cái bài hát hot trending, đứng nhất bảng xếp hạng. Tôi tự hỏi tại sao những sản phẩm nhạt nhẽo như thế này lại hot?

Mr Đàm: Mọi người gán cho tôi danh hiệu là '1 trong 2 người có công mang bolero sống lại'- Ảnh 2.

Album số 10 "Cho cuộc tình đã mất" của Đàm Vĩnh Hưng.

Tôi nghĩ, giờ mình phải làm một cái gì đó "lụi tim", lặn lội tìm thử trước khi đi tới quyết định cuối cùng. Giờ mà hát một bài gì đó quá trẻ thì không đấu lại được với bạn trẻ, mà cũ quá thì chẳng ai nghe.

Tôi hát cái kiểu lofi khán giả họ thích quá, xong tôi mới quyết định: "Mình phải đổi kiểu hát thôi. Bolero kiểu xưa nhưng phải mặc áo mới". Khi đó thì khán giả cũ họ cũng có cái mới để nghe. Phải chơi những gì mà lạ lùng nhất, không ai tưởng tượng ra được mới hay.

Tôi thuyết phục Uyên Linh và Trúc Nhân trước. Tôi phải làm hai bản hòa âm riêng biệt, một cái sến rện và một cái sang để thuyết phục Trúc Nhân và Uyên Linh. Bolero đường phố thì Uyên Linh, còn lofi thì Trúc Nhân. Tôi tính toán từng người một luôn, nó phải rất feeling, rất bay.

Làm 10 album mất 5 cái nhà chung cư, cho đến giờ tiền anh thu về nhiều nhất là những bài nào trong 10 album của mình?

Ăn khách và lợi nhuận cao nhất là "Lâu đài tình ái", "Dạ khúc cho tình nhân", "Thành phố buồn", "Tình bơ vơ"... Tôi diễn hằng đêm ở các phòng trà những ca khúc này. Tôi đã phải mất 8 năm trời chỉ để xin được cấp phép hát "Thành phố buồn", "Tình bơ vơ". Nhưng những gì liên quan đến cái tên Đàm Vĩnh Hưng là không bao giờ tiếc tiền. Mình đầu tư chính đáng và thu về lợi nhuận gấp 2, 3 lần.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.