EVN cảnh báo đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện khi miền Bắc và miền Trung thừa, trong khi, ở miền Nam lại thiếu.
Nhập khẩu thêm 1,104 tỷ kWh
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 3598/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021.
Kế hoạch được xây dựng trên các thông số đầu vào như dự kiến điện thương phẩm toàn quốc năm 2021 là 226,27 tỷ kWh, Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,0% và tần suất thủy văn mức 65%.
Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2021 là 262,410 tỷ kWh. Trong đó, mùa khô là 126,896 tỷ kWh và mùa mưa là 135,515 tỷ kWh.
Đặc biệt, năm nay, Việt Nam sẽ dừng mua điện từ Trung Quốc kể từ khi bắt đầu mua điện của nước này từ năm 2004. Nhưng vẫn tiếp tục mua điện từ Lào với mức dự kiến khoảng 1,104 tỷ kWh.
Như vậy, với sản lượng điện nhập khẩu cả năm 2020 từ Trung Quốc và Lào ở mức 3,070 tỷ kWh (đạt 97,33% kế hoạch, bằng 94% năm 2019) thì kế hoạch năm nay giảm đáng kể.
Vì sao phải mua thêm khi trong nước phải cắt giảm?
Song, việc mua thêm điện từ Lào khiến nhiều người không khỏi băn khoăn khi mới đây, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn và tiếp tục cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo trong năm 2021.
Trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh vấn đề này, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, năm nay "chúng ta không nhập khẩu điện của Trung Quốc" nhưng nếu năm sau cần thì vẫn nhập bình thường.
Vị này đánh giá, sự phát triển điện mặt trời hiện nay “ăn thua gì” so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc 9-10%. “Năm 2020 là do phụ tải giảm do Covid-19, chứ phụ tải mà tăng như tốc độ bình thường thì thiếu ngay khi năm nay sản lượng chỉ tăng có 2,9%”, vị đại diện nói.
Theo vị này, việc nhập khẩu thêm điện xuất phát từ nhu cầu tăng trưởng hàng năm, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như hợp đồng mua bán của mình với đối tác theo thời gian nên sẽ cân đối điều chỉnh theo năm.
Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công thương đã giao cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lập phương thức huy động hợp lý các nguồn điện, chủ động có phương án điều hành phù hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo và các nguồn điện khác trong hệ thống để vận hàng điện an toàn.
Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật tiến độ các nguồn năng lượng tái tạo để cập nhập và lập phương thức vận hành hợp lý đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận