Thời sự Quốc tế

Mưa lũ tại Hàn Quốc: Bài học từ vụ "hầm chui tử thần"

18/07/2023, 20:00

Tính đến sáng 18/7, đã có 14 người thiệt mạng trong hầm chui ở TP Cheongju, Hàn Quốc bị ngập do mưa lớn.

Bộc lộ nhiều vấn đề trong hầm chui Cheongju

Sự việc này đang là chủ đề gây phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc. Nhiều luồng ý kiến cho rằng thảm họa này hoàn toàn có thể tránh được nếu giới chức địa phương phản ứng kịp thời.

Thảm họa trên xảy ra vào 8h40 sáng 15/7 tại TP Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong. Hầm chui này cách sông Miho (phụ lưu sông Geum, dòng sông lớn thứ 3 của Hàn Quốc) chỉ khoảng 600m.

Tuy cảnh báo lũ tại khu vực này đã được đưa ra từ 4 tiếng trước nhưng dường như nhiều lái xe không biết. Lúc đó, không có tín hiệu hay quan chức nào có mặt tại hiện trường để phân luồng, ngăn các phương tiện di chuyển qua hầm chui.

img

Hầm chui Cheongju bị ngập nghiêm trọng khiến các phương tiện bị mắc kẹt làm nhiều người thiệt mạng (Ảnh: Yonhap)

Đến 8h40 sáng, nước dâng cao, sông Miho vỡ bờ khiến nước lũ tràn vào phố làm ngập hầm chui dài 685m.

Lúc này, bên trong hầm có khoảng 15 phương tiện bao gồm 1 xe buýt và tất cả đã bị nước nhấn chìm.

Tính đến sáng 18/7 (tức là 3 ngày sau khi bị ngập lụt), lực lượng cứu hộ mới đưa được nạn nhân cuối cùng bị thiệt mạng ra ngoài. Tổng cộng có 14 người tử nạn tại hầm chui do nước lũ. Đó chính là lý do vì sao nơi đây bị coi là "hầm chui tử thần".

Nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng, sự việc này là thảm họa do con người gây ra vì giới chức địa phương đã phản ứng chậm.

Một người sống sót trong vụ ngập hầm chui giấu tên cho biết:

“Tôi không hiểu tại sao không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông gần cửa hầm trước khi nước lũ tràn về?”.

Theo tờ Korean Herald, Văn phòng Kiểm soát lũ sông Geum (đơn vị giám sát tình hình trên sông Geum) cho biết, đã ra cảnh báo lũ vào lúc 4h10 sáng 15/7, cho thấy tình hình rất nghiêm trọng.

Khoảng 6h34, văn phòng này gọi điện tới chính quyền thành phố Cheongju để trao đổi, đề nghị cần đưa ra lệnh sơ tán cũng như kiểm soát giao thông.

Song, giới chức chính quyền Cheongju bác bỏ.

Chỉ ra một thiếu sót khác tại hầm chui này, Giám đốc Quản lý An toàn và Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Woosuk – ông Kong Ha-sung cho biết, từ 3 năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch lắp đặt thanh chắn tự động, chặn phương tiện di chuyển vào các hầm chui trong trường hợp xảy ra lũ.

Năm 2021, Ủy ban Nhân quyền và Chống tham nhũng của Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị Bộ Nội vụ và An toàn cùng Bộ Đất đai, Giao thông và Hạ tầng cần ưu tiên lắp đặt hệ thống tự động tại tất cả các hầm chui vì khu vực này được đánh giá là có nguy cơ ngập lụt cao hơn.

Đã có nhiều hầm chui được lắp đặt hệ thống tự động trên nhưng TP Cheongju thì không. Chính quyền thành phố đã không lắp đặt hệ thống này kịp thời.

Bên cạnh đó, từ lâu Ủy ban Nhân quyền và Chống tham nhũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thoát nước ở tất cả các hầm chui và đề nghị cần kiểm tra thường xuyên. Nhưng thực tế, trong thảm họa tại hầm chui Cheongju, cả 4 hệ thống thoát nước đều không hoạt động.

Sự việc tại hầm chui Cheongju một lần nữa là hồi chuông cảnh báo với giới chức Hàn Quốc về việc phải chú ý nâng cấp hệ thống thoát nước, thanh chắn tự động tại các hầm chui trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường sẽ xảy ra với tần xuất dày hơn.

"Bài học đắt giá"

Theo đánh giá của giới chuyên gia nước này, biến đổi khí hậu đang bắt đầu gây thiệt hại đáng kể cho Hàn Quốc.

Dù mới chỉ bước qua nửa mùa mưa năm nay nhưng Hàn Quốc đã chịu lượng mưa nhiều hơn tổng lượng mưa trung bình cho cả mùa mưa so với trước đây.

img

Chiếc xe buýt đỏ là một trong 15 phương tiện bị mắc kẹt trong hầm chui Cheongju (Ảnh: Yonhap).

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định sẽ xem xét hoàn toàn cách ứng phó với thời tiết khắc nghiệt của đất nước vì những thảm kịch như vừa xảy ra tại Cheongju ngày càng trở nên phổ biến hơn. "Chúng ta phải chấp nhận thực tế là biến đổi khí hậu đang diễn ra và cần nhanh chóng ứng phó", ông Yoon nói.

Các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra dù Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ dành ngân sách cần thiết để chuẩn bị đề phòng biến đổi khí hậu nhưng cam kết này chưa được thực hiện đầy đủ. Tình hình phân bổ ngân sách hiện nay quá tập trung vào phục hồi mà chưa dành cho các hoạt động đề phòng, chuẩn bị.

Ông Jeong Chang-sam, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Induk ở Seoul chuyên về tài nguyên nước, cho biết các biện pháp đề phòng biến đổi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và của nhưng thường bị bỏ qua vì không tạo ra sự thay đổi ngay lập tức, lợi ích rõ ràng đối với các chính trị gia.

"Mọi người thích sử dụng các cách diễn đạt như phản ứng nhanh, phục hồi khẩn cấp... nhưng thảm họa khí hậu đã và đang diễn ra", ông Jeong nói.

"Nếu bỏ tiền vào các dự án đề phòng biến đổi khí hậu, chi phí sẽ chỉ bằng một nửa so với số tiền phải bỏ ra để phục hồi", Giáo sư Jeong nhấn mạnh.

Đợt mưa lũ lớn vừa qua tại Hàn Quốc đã khiến tổng cộng 41 người chết và 9 người mất tích, phần lớn do bị vùi lấp trong lở đất hoặc ngã xuống các hồ chứa ngập nước. Ngoài ra, có khoảng 7.540 người phải đi sơ tán vì mưa lớn gây lũ lụt, lở đất tại nhiều khu vực trên khắp quốc gia này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.