Thời sự Quốc tế

Muốn biết thế giới khổ thế nào vì biến đối khí hậu, hãy nhìn Madagascar

04/11/2021, 07:26

Nếu không thay đổi, thế giới sẽ chứng kiến 216 triệu người buộc phải di cư hoặc bị mất nơi ở do biến đổi khí hậu vào năm 2050.

Hãng tin AP dẫn chia sẻ của Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hợp Quốc - ông David Beasley cho biết, những gì đang xảy ra tại đảo quốc Madagascar chính là “hồi chuông thức tỉnh” thế giới về viễn cảnh tương lai khi hành tinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Ông Beasley mô tả hiện trạng cuộc sống tại Madagascar đầy “tuyệt vọng”, người dân buộc phải bán những vật dụng gia đình nhỏ như xoong chảo để có tiền mua thực phẩm, nhiều người buộc phải ăn xương rồng để chống đói.

Theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới công bố ngày 2/11, đến cuối năm nay, chỉ có khoảng 30.000 người tại Madagascar có thể tiến thêm một bước, thoát khỏi nạn đói, trong khi vẫn còn 1,1 triệu người đã lâm vào nạn đói nghiêm trọng.

img

Madagascar đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng vì hạn hán, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến đảo quốc tại Ấn Độ Dương phải chịu hạn hán, bão cát và nhiệt độ nóng lên, làm mùa màng thất bát.

Để phần nào hỗ trợ đảo quốc này, Chương trình Lương thực Thế giới đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 700.000 người và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ tại đây.

Tuy nhiên, ông Beasley cũng cảnh báo, Madagascar không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới, những gì đang xảy ra tại Madagascar chỉ mới là “khởi đầu” của hậu quả hiện tượng ấm lên toàn cầu.

“Người dân trên thế giới cần nhìn Madagascar để hiểu những gì sẽ xảy ra với mình và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu”, ông Beasley nói.

Ông Beasley nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã trở thành nguyên nhân hàng đầu khiến người dân trên thế giới mất nơi ở và lâm vào nạn đói. Riêng năm 2020, đã khoảng 38 triệu người trên thế giới bị mất nhà và bị đe dọa bởi nạn đói do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong trường hợp xấu nhất, con số này sẽ tăng lên 216 triệu người sẽ buộc phải di cư hoặc bị mất nơi ở do biến đổi khí hậu tới năm 2050. Đây cũng là mốc nhiều nước công nghiệp (trừ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ) đặt mục tiêu để giảm phát thải, trung hoà carbon.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.