Muốn khán giả “yêu lại từ đầu” bằng phim ngoại truyện

30/05/2018, 09:18

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã chia sẻ với Báo Giao thông về dòng phim ngắn ngoại truyện.

31

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Phim ngắn ngoại truyện của truyền hình đình đám Người phán xử, Phía trước là bầu trời… thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) chia sẻ với Báo Giao thông về dòng phim ngắn ngoại truyện.

Muốn khán giả yêu lại bộ phim

Từ đâu anh nảy sinh ý tưởng làm các phim ngoại truyện?

Ngoại truyện là hình thức xuất hiện khá nhiều ở thể loại tiểu thuyết. Mục đích là làm thỏa mãn hơn nhu cầu của công chúng khi họ đã dành sự quan tâm yêu thích đến tác phẩm, muốn được biết nhiều hơn về câu chuyện, về nhân vật. Đơn cử như phim truyền hình Người phán xử, nhiều khán giả đã tương tác, bình luận trên các diễn đàn, fanpage trong quá trình bộ phim phát sóng. Trong đó, có nhiều ý kiến, mong muốn của khán giả bộ phim có phần ngoại truyện. Phim đã phát trên nền tảng nội dung số VTV giải trí, được chúng tôi xem như một món quà dành cho khán giả. Đây cũng là cách mà VFC bày tỏ sự cảm ơn tình cảm khán giả dành cho phim truyền hình Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, đây là một chiêu thức quảng bá cao tay cho các bộ phim truyền hình?

Phim đã phát sóng nên nếu nói mục đích chỉ là quảng bá thì không hoàn toàn đúng. Chúng tôi là những người làm phim, nên thực sự mong muốn chất lượng các bộ phim Việt ngày càng được nâng cao. Thay vì than trách những khó khăn thiếu thốn và sự chênh lệch về đầu tư sản xuất với phim nước ngoài, chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn. Vì vậy, phim ngoại truyện có thể xem như một nỗ lực của người làm phim muốn khán giả duy trì sự yêu mến với phim Việt.

Nhưng cũng có thể thấy, nhà sản xuất phải có nguồn lực rất mạnh mới có thể bỏ kinh phí để làm những tập phim chỉ để chiều lòng khán giả?

Tất nhiên, đã sản xuất phim thì bắt buộc phải có đủ yếu tố nguồn lực. Nhưng điều tôi nhấn mạnh là tâm huyết, say mê của ê-kíp và các diễn viên thực hiện sản phẩm này như món quà dành tặng khán giả. Ví dụ, diễn viên Việt Anh đã dừng nhiều lịch làm việc cá nhân để tập trung quay 4 tập Người phán xử tiền truyện, chấp nhận thay đổi tạo hình, cắt tóc, dán hình xăm… Hoặc, ê-kíp làm phim đã phải đầu tư chi phí, dựng lại toàn bộ các bối cảnh phim như biệt thự nhà ông trùm Phan Quân, phòng phán xử, phục trang đạo cụ. Tất cả những điều đó chỉ để một lần nữa, khán giả “yêu lại” bộ phim từng phát sóng.

Làm phim ngoại truyện, thời lượng ngắn nên cũng không cần quá chỉn chu như phim truyền hình?

Đúng là phần ngoại truyện thời lượng ngắn nhưng vẫn phải chỉn chu và thậm chí còn khó làm hơn. Từ ý tưởng đến kịch bản, sản xuất đều phải thực hiện đầy đủ quy trình như một bộ phim dài tập. Ê-kíp thực hiện phần ngoại truyện còn nói với nhau, quay phim 20 - 25 phút mà còn vất vả và tỉ mỉ hơn cả một tập phim dài.

30
“Người phán xử tiền truyện” gây tranh cãi vì có nhiều chi tiết bạo lực, ngôn từ tục tĩu

Cố gắng cân bằng, tránh tình trạng cực đoan

Sau khi tập 1 của “Người phán xử tiền truyện” lên sóng, nhiều ý kiến chỉ trích phim quá bạo lực, nhiều ngôn ngữ tục tĩu. Anh nói gì về điều này?

Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của khán giả và biết rằng, bên cạnh những ý kiến như bạn nói thì cũng có khá nhiều ý kiến khác cho rằng, Người phán xử tiền truyện có nhiều pha hành động kịch tính hơn, thoại đời thường hơn và thể hiện đúng tính cách đối tượng đang xây dựng. Việc khen chê đối với một bộ phim là chuyện bình thường. Chúng tôi luôn cố gắng để cân bằng, tránh tình trạng cực đoan chỉ đi theo một luồng ý kiến.

Phải chăng vì phim chiếu online nên cần yếu tố để câu khách?

Người phán xử tiền truyện không phải là một bộ phim mới, mà dựa trên bộ phim đã rất thành công trên truyền hình. Do vậy, chúng tôi không phải tính toán quá nhiều đến yếu tố câu view. Chưa chắc phim phát online đã đông đối tượng nhất vì khán giả truyền hình vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn, trong đó có nhiều khán giả không chọn phương thức xem phim online. Như dự định của đơn vị sản xuất, chúng tôi biết sẽ có những phản hồi khác biệt nên luôn thận trọng và kiểm soát kỹ bộ phim. Đôi khi phải chấp nhận mạo hiểm để thoát khỏi khuôn mẫu sáng tạo và khán giả thích điều đó hơn.

Anh đánh giá thế nào về lợi ích của thể loại phim này?

Cái lợi nhất của ngoại truyện là giúp cho khán giả có cơ hội thưởng thức thêm những tình tiết thú vị về bộ phim và các nhân vật chính. Ngoài ra là duy trì lâu bền tình yêu với bộ phim, với đơn vị sản xuất, với các diễn viên…

Trước hết, chúng tôi phải thực sự cầu thị và nghiêm túc lắng nghe phản hồi của khán giả trong quá trình phát sóng bộ phim. Tiếp đó, phần ngoại truyện phải biết chắt lọc ý kiến, nhu cầu của khán giả và sự nỗ lực sáng tạo mới, đem lại cho khán giả những điểm bất ngờ, khác lạ so với phiên bản đã phát truyền hình.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.