Chuyện dọc đường

Muôn nẻo đường rồi cũng trở về một chốn

24/01/2020, 14:44

Thời thơ ấu cho đến khi đã có gia đình riêng, cuộc sống của tôi đều gắn với nơi trở về của những cuộc hành trình cuối năm vội vã.

img
Ảnh minh họa

Tôi không có con đường về quê ăn Tết, vì như một duyên phận, thời thơ ấu cho đến khi đã có gia đình riêng, cuộc sống của tôi đều gắn với nơi trở về của những cuộc hành trình cuối năm vội vã.

Ông bà tôi có tám người con nhưng chỉ có bố tôi là con trưởng ở nhà “giữ chốt”. Cả năm ăn riêng, nhưng bắt đầu từ 23 ông Công ông Táo, bà nội lại lấy từ trong góc chạn bát ra cái nồi đồng to hơn để nấu cơm và tôi có nhiệm vụ soạn rửa những chiếc bát, đĩa sứ trắng muốt có hoa văn màu men lục úp vào một chiếc rành tre để dùng riêng cho những ngày Tết.

Ngày 27 Tết, ông nội bắt đầu bó giò. Những chiếc giò mỡ, giò đậu (món đó sau khi ông mất đi, tôi không còn gặp ở đâu nữa) được treo lủng lẳng trong góc nhà, chỉ chờ người đi xa về là được thưởng thức. Ngày 28, cả nhà tập trung gói bánh chưng.

Ông gói bánh rất khéo, không cần khuôn mà cái nào cũng vuông vắn, đều nhau như một. Nồi bánh chưng to, lửa bập bùng cháy giữa gian bếp. Bà nội bao giờ cũng dặn tôi, đứa cháu có nhiệm vụ trông nồi bánh, nhớ đặt thêm nồi nước lá mùi bên cạnh, sẵn sàng để người đi xa về tắm táp tẩy trần…

Đi lấy chồng, thật hữu duyên, nhà tôi lại trở thành người “giữ chốt”, dù chồng tôi không là con trưởng. Quê ở phố, nhà tôi trở thành nơi đi về của anh em ruột thịt, anh em con bác, con cô.

Từ 23 trở đi, cửa nhà bắt đầu mở rộng cho mọi người trở về đi viếng mộ tổ tiên, thắp hương mời các cụ về nhà ăn Tết. Tôi hình dung chuyến trở về quê của những người thân quá cố mà không khỏi bâng khuâng với cảm giác giao cảm kì diệu của hai thế giới.

Bắt đầu từ ngày 28 Tết là nhộn nhịp những chuyến về, đi của anh em trong nhà. Em gái thứ đi lấy chồng xa, về thắp hương bố, chúc Tết mẹ. Anh cả cùng gia đình về sum họp rồi lại vội vàng trở lại cơ quan trực Tết. Cô út lấy chồng gần thì chạy qua, chạy lại. Ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười của những ngày sum họp.

Cái cảm giác cuối năm của người ở nhà chuẩn bị cho cái Tết quê thật khó diễn tả. Sắp xếp lại nhà cửa để mỗi người đi xa về được thoải mái nhất, mua sắm đồ ăn thức uống cho đủ đầy ba ngày Tết. Mỗi ngày đón người đi xa về lại tăng thêm một niềm vui gặp mặt.

Ba ngày Tết đi qua, những chuyến trở về lại trở thành những chuyến chia tay. Đứng bên khung cửa, vẫy chào những chuyến xe đi, lòng bỗng chùng xuống bâng khuâng.

Chúc thượng lộ bình an, một năm nhiều thuận lợi, để cái Tết năm sau, tôi lại được đứng bên khung cửa này, tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh của những người thân đã vượt qua những cung đường dài trở về quê cùng gia đình có một cái Tết sum vầy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.