PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai
Vài ngày qua, những thông tin về “virus lạ gây viêm cơ tim” đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người hoảng sợ.
Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai sẽ lý giải rõ hơn về căn bệnh này.
Thưa PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, con virus nào dẫn đến bệnh viêm cơ tim? Vừa qua, hai trường hợp tử vong đều làm ở khu vực chùa Bộc, Hà Nội. Liệu virus gây bệnh viêm cơ tim có tồn tại trong môi trường đó?
Không có loại virus nào chỉ gây viêm cơ tim. Viêm cơ tim do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có virus. Trong số các virus thì có nhiều loại virus có thể dẫn đến biến chứng viêm cơ tim với tỉ lệ rất thấp.
Do vậy, mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm các loại virus nói chung, để giảm các biến chứng trong đó có viêm cơ tim.
Dấu hiệu nào để nhận biết sớm một người bị viêm cơ tim không? Khi nào thì cần đi viện? Nếu không may bị viêm cơ tim cấp thì có chữa được không? Bệnh viện nào cấp cứu những ca bệnh này?
Các dấu hiệu nghĩ đến viêm cơ tim có thể bao gồm: sốt, khó thở, đau thắt ngực, tim đập nhanh, ngất xỉu... Mọi người nên đến bệnh viện khám khi có những biểu hiện này.
Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, đa số các trường hợp bị viêm cơ tim đều có thể chữa khỏi được. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ diễn biến nặng và phức tạp, có thể dẫn đến tử vong. Những trường hợp bệnh nặng nên được điều trị ở trung tâm lớn có các biện pháp hồi sức hiện đại, đặc biệt là hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).
Vậy, bệnh tăng huyết áp có mối liên quan gì đến bệnh viêm cơ tim không?
Không có mối liên quan giữa bệnh tăng huyết áp và bệnh viêm cơ tim. Nhưng tăng huyết áp có thể dẫn đến suy tim và các biến chứng nặng nề khác ở tim như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành... và dẫn tới chết người. Số người chết do biến chứng của tăng huyết áp nhiều hơn rất nhiều so với bệnh viêm cơ tim.
Do vậy, không nên vì những thông tin giật gân mà quên đi việc dự phòng các bệnh tim mạch thường gặp trong đó có tăng huyết áp.
Những người bị sốt, người mệt có cần đến bệnh viện khám để loại trừ bệnh viêm cơ tim không?
Khi bạn bị sốt và mệt có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn nên đi khám bác sĩ để xác định xem bạn bị bệnh gì để có biện pháp điều trị kịp thời. Song cũng cần nhấn mạnh bệnh viêm cơ tim rất hiếm gặp. Chỉ nghĩ nhiều tới khi bạn có kèm theo các biểu hiện như khó thở, đau thắt ngực, tim đập nhanh, ngất xỉu...
Ai dễ mắc bệnh viêm cơ tim cấp và làm thế nào để phòng bệnh?
Bất kể ai cũng có thể bị mắc viêm cơ tim giống như bất kỳ ai cũng có thể bị cúm. Tuy nhiên cần nhắc lại viêm cơ tim chỉ là một biến chứng (một bệnh) do rất nhiều nguyên nhân gây ra và ít gặp.
Việc phòng bệnh viêm cơ tim cũng giống như phòng chống các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus khác. Như giữ gìn vệ sinh môi trường và cá nhân, ăn uống hợp lý, tập luyện đều đặn... để cơ thể khỏe mạnh có sức đề kháng tốt, tránh được bệnh tật hoặc khi bị bệnh thì tránh được các biến chứng nặng nề. Đồng thời thực hiện theo lời khuyên của thầy thuốc để tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus.
Nhiều người lo lắng vì khó thở, thỉnh thoảng nghe nhói ở ngực. Vậy có biểu hiện như vậy là bị làm sao, liệu có phải đã mắc bệnh viêm cơ tim?
Với những người có các biểu hiện như: Khó thở, đau nhói ở ngực cũng nên đi khám sức khỏe và đặc biệt có thể khám tim mạch để phát hiện có bệnh tim mạch gì hay không. Khó thở và cảm giác nhói ở ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do tim hoặc không phải do tim, cũng có thể do bệnh hoặc do lo lắng gây ra.
Tuyệt đại đa số các bệnh tim mà gây nhói ở ngực thì không phải do bệnh viêm cơ tim mà các bệnh khác thường gặp như bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh màng ngoài tim...
Mọi người cũng không nên lo lắng quá về việc mình có bị viêm cơ tim hay không vì bệnh khá ít gặp và thường kèm theo các triệu chứng khác như sốt, khó thở, đau mỏi cơ... Chỉ có đi khám mới có thể chẩn đoán chính xác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận