Xã hội

Muốn tăng trưởng phải gỡ “nút thắt” đầu tư công

Việc đẩy mạnh đầu tư công có tác động mạnh mẽ đến việc thu hút và lan toả đầu tư xã hội, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, là con số đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hoàn cảnh 6 tháng cuối năm đã khác trước khi dịch bệnh đang lan rộng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong bối cảnh này, làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm như đã đề ra (6% và 6,5% theo các kịch bản của Chính phủ)? Báo Giao thông trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này.

img

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Ông Cường cho biết: Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2021 chúng ta đã phải ứng phó với 2 làn sóng dịch. Con số 5,64% chưa phải là cao so với mục tiêu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vô cùng khó khăn như vừa qua, đạt được như vậy có thể nói là một thành công rất đáng khích lệ. Đó là thành quả của sự điều hành năng động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay khi mới nhậm chức đã thể hiện tinh thần quyết liệt, yêu cầu phân cấp, phân quyền quy trách nhiệm rõ ràng, chấm dứt việc đẩy việc lên cấp trên. Theo ông, điều đó đã thúc đẩy ra sao tới sự chuyển động của cả bộ máy?

Thủ tướng có quan điểm chỉ đạo hết sức quyết liệt, có phân định quyền, trách nhiệm cho các cấp rất rõ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại.

Tuy nhiên, phân quyền, phân trách nhiệm không có nghĩa là không có sự phối hợp giữa các địa phương, bộ ngành, mỗi địa phương, bộ ngành đều hành động theo tư duy riêng của mình. Việc Thủ tướng chỉ đạo thành lập 7 tổ công tác đặc biệt vừa qua là một ví dụ, rất cần thiết và kịp thời.

Việc phân quyền, phân cấp đã tạo cơ chế rất hữu hiệu để quy rõ trách nhiệm cho các cấp, các ngành, giữa địa phương với trung ương. Điều này rõ ràng tác động đến việc các cá nhân trong bộ máy sẽ phải dám làm, dám chịu trách nhiệm hơn, chủ động nhiều hơn trong việc giải quyết các công việc phát sinh trong thực tiễn.

Thủ tướng cũng đưa ra quan điểm lấy thực tiễn làm thước đo trong xử lý công việc, nhấn mạnh đến cơ chế bảo vệ cán bộ, những người dám nghĩ, dám làm. Việc này đã được thể hiện ra sao trong thực tiễn?

Tinh thần này sẽ làm thay đổi phương thức, cơ chế quản lý, không phải cứ tuân thủ, chấp hành tốt là tốt mà phải dám nghĩ, dám làm, mang lại kết quả tốt, hiệu quả tốt thì mới là người hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Lấy thực tiễn làm thước đo công việc” cũng sẽ là nguyên tắc để xem xét người lãnh đạo có đủ bản lĩnh hay không; lấy hiệu quả, kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Chính từ đó, phương thức điều hành của Chính phủ sẽ tiếp tục được chuyển từ quản lý sang hành động, hiệu quả công việc là thước đo.

Tuy nhiên, cũng phải có cơ chế rõ ràng về việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Khi đó sẽ phân định được đâu là người dám nghĩ, dám làm và được bảo vệ, đâu là người có thể lợi dụng để tự tung, tự tác.

Trên thực tế, thời gian qua, tư tưởng này đã được quán triệt và thực hiện rõ nét trong thực tế. Ví dụ khi giải quyết ách tắc khó khăn về nguồn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng đã giao các tỉnh phải tự quyết định nguồn cung cấp. Đây chính là việc dám nghĩ, dám làm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Theo ông, để 6 tháng cuối năm có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đã xác định, những yếu tố nào có vai trò quyết định?

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm phụ thuộc rất lớn vào kết quả chống dịch. Do vậy, ưu tiên lớn là phải khống chế dịch, phải đẩy mạnh tiêm vaccine để thực hiện được miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại nền kinh tế thì mới có thể kỳ vọng đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên cao.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh đầu tư công, duy trì hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh, ưu tiên tập trung phòng chống dịch cho những khu vực trọng điểm về kinh tế. Như vậy sẽ tạo ra được sự phục hồi, đạt được kết quả như kỳ vọng.

Đợt dịch lần thứ tư vừa rồi nhiều tỉnh có các khu công nghiệp lớn đã phải hứng chịu sự ảnh hưởng to lớn, đẩy chúng ta vào nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. Chính vì vậy, việc tránh để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Ông vừa nhắc tới việc phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, vấn đề này có ý nghĩa như thế nào?

Không chỉ bây giờ mà trong cả nhiệm kỳ vừa qua, việc giải ngân đầu tư công luôn là vấn đề mà Quốc hội tham gia, đồng hành cùng Chính phủ, phê duyệt rất nhiều các dự án lớn, sửa nhiều các quy định của pháp luật.

Tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công theo hướng đầu tư tập trung, không dàn trải, sớm hoàn thành để mang lại hiệu quả.

Việc đẩy mạnh đầu tư công có tác động mạnh mẽ đến việc thu hút và lan toả đầu tư xã hội, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối các vùng… thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Vì vậy, về tổng thể, cần phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa. Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc thì chắc chắn nền kinh tế không thể tăng trưởng được.

Hiện nay, chúng ta cần tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công ở những dự án trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam ở phía Đông, sân bay Long Thành. Khi hoàn thành, các công trình này chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư:
Cần chính sách cải cách kinh tế ngay sau dịch

img

Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng so với phần lớn phần còn lại của thế giới, cho đến nay Việt Nam kiểm soát tương đối tốt.

Tuy vậy, nền kinh tế, cuộc sống và sinh kế của người dân vẫn chịu tác động lớn, bất lợi chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế đã giảm sút mạnh. Dịch bệnh và tác hại của nó trên tất cả các lĩnh vực vẫn tiếp diễn.

Thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước tác động của dịch bệnh.

Thế nhưng, cũng chính vì dịch bệnh, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung bị chững lại. Những phân tích, đánh giá xác định khu vực tiềm năng, những ưu tiên chính sách, đặc biệt là những ưu tiên, trọng tâm của cải cách thế chế để phục hồi tăng trưởng nhanh sau đại dịch vẫn còn trong “im lặng”. Quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương chưa khác nhiều so với trước.

Do đó, bên cạnh việc khống chế dịch, phục hồi sản xuất từ nay tới cuối năm, vẫn phải có bước chuẩn bị cho giai đoạn ngay sau đó. Cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để thúc đẩy phục hồi khi dịch đã được kiểm soát.

Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi. Ở đâu có môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh thì ở đó dễ dàng khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.

Chất lượng môi trường kinh doanh cũng có vai trò quan trọng đối với đầu tư nước ngoài và sự kiên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh càng trở nên cực kỳ quan trọng để đảm bảo khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Cải thiện môi trường kinh doanh luôn là một trong các trọng tâm của đột phá thể chế. Trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì cải cách lại trở nên cấp bách hơn.

Chính lúc này, Việt Nam cần một cuộc cải cách mới để nền kinh tế phục hồi hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu phát triển cao và bền vững. Tôi mong muốn có một cuộc cải cách như thế.

Lưu Thuỷ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.