Bế tắc về lương
Ngày 14/7, hãng tin Reuters cho biết, công ty vận chuyển hàng hóa United Parcel Service (UPS) của Mỹ và công đoàn Teamsters đại diện cho gần 340.000 lao động tại doanh nghiệp này đang mâu thuẫn về vấn đề lương bổng.
Trong quá trình đàm phán, phía công đoàn Teamsters đưa ra yêu cầu phải tăng lương cho lao động bán thời gian - chiếm gần một nửa lực lượng lao động của UPS.
Lao động UPS đang đàm phán với công ty, yêu cầu tăng lương (Ảnh: Reuters).
Teamsters cũng yêu cầu công ty cần cải thiện chính sách đãi ngộ với lao động vì họ đã mạo hiểm tính mạng, thực hiện công việc giao hàng trong đại dịch, giúp công ty thu được lợi nhuận “khủng”.
Công đoàn Teamsters thông báo sẽ tổ chức đình công nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào đêm 31/7.
Ông Bruce Chan - chuyên gia phân tích tại ngân hàng Stifel cho rằng, UPS đang đứng trước hai lựa chọn không mấy hấp dẫn: Đối mặt với rủi ro xảy ra đình công và có nguy cơ để mất khách hàng vào tay các công ty đối thủ hoặc chấp thuận yêu cầu của công đoàn dẫn đến tăng chi phí lao động so với các đối thủ không có công đoàn đại diện cho người lao động.
“Cả hai tình huống đều sẽ gây ra tổn thất cho UPS, vì vậy vấn đề chỉ là khi nào và làm thế nào công ty chấp nhận mà thôi", ông Chan nói.
Đình công có thể khiến Mỹ thiệt hại 7 tỷ USD
Công ty UPS có gần 340.000 lao động, xử lý khoảng 1/4 giao dịch vận chuyển hàng hóa tại Mỹ, hoạt động tại hầu hết thành phố, thị trấn tại quốc gia này.
Khả năng lao động UPS đình công có thể gây gián đoạn công tác vận chuyển hàng triệu đơn hàng mỗi ngày, bao gồm các sản phẩm điện tử, thuốc kê đơn có vai trò quan trọng với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, theo các chuyên gia. Đồng thời, cuộc đình công, nếu xảy ra, có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, thổi bùng nguy cơ lạm phát.
Ngày 13/7, tổ chức Anderson Economic Group (AEG) có trụ sở tại Mỹ ước tính khả năng lao động UPS thực hiện đình công trong 10 ngày có thể khiến kinh tế nước Mỹ thiệt hại 7 tỷ USD, bao gồm khoản thiệt hại 4 tỷ USD đối với khách hàng của UPS trong khi lao động công ty mất khoản tiền lương trị giá hơn 1 tỷ USD.
Ông Patrick Anderson - Giám đốc điều hành AEG cho biết, con số thiệt hại 7 tỷ USD chưa bao gồm thiệt hại về người do gián đoạn trong việc vận chuyển những loại thuốc dễ hỏng, đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác.
Tổ chức (AEG) nhận định cuộc đình công của lao động UPS, nếu xảy ra, sẽ là một trong số những cuộc đình công gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế tại nước Mỹ trong ít nhất một thế kỷ trở lại đây.
Trước đó, cuộc đình công kéo dài 15 ngày vào năm 1997 của lao động UPS đã gây gián đoạn công tác vận chuyển hàng hóa, khiến công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới này thiệt hại 850 triệu USD và để mất một số khách hàng vào tay những công ty đối thủ như FedEx.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận