Trung Quốc cho rằng Mỹ lạm dụng quyền lực để gây áp lực lên Huawei
Hãng tin Reuters dẫn lời 2 nguồn tin cho hay Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đang điều tra công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei vì quan ngại các cột phát sóng tại Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei có thể thu được thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự, silo tên lửa và sau đó chuyển về Trung Quốc.
Theo một nguồn tin, giới chức Mỹ cho rằng Huawei có thể thu được thông tin nhạy cảm về các cuộc tập trận quân sự, trạng thái sẵn sàng tại các căn cứ quân sự qua các thiết bị của Huawei lắp trên cột thu phát sóng điện thoại của nước này.
Các nguồn tin cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra về vấn đề này ngay sau khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm ngoái.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ “không thể xác nhận hay phủ nhận về cuộc điều tra" nhưng khẳng định công tác bảo vệ an ninh và an toàn của người dân Mỹ trước những hành vi thu thập thông tin độc hại là rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ.
Ảnh minh họa. Ảnh - Reuters
Hồi tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu Huawei làm rõ chính sách của công ty về việc chia sẻ thông tin mà thiết bị của Huawei thu thập (bao gồm tin nhắn, vị trí địa lý) với các đối tác ở nước ngoài.
Huawei từ chối phản hồi trước thông tin trên. Trước đó, công ty cũng phủ nhận cáo buộc của Chính quyền Mỹ về việc theo dõi người dùng tại Mỹ và tiềm ẩn mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi trước các cáo buộc cụ thể nhưng cho biết trong một thông báo qua email rằng: “Chính phủ Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để gây áp lực lên Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác mà không đưa ra bằng chứng vững chắc về việc các công ty này tạo thành mối đe dọa an ninh cho Mỹ và các quốc gia khác”.
8 quan chức thuộc các chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm của Mỹ nhận định, việc Mỹ điều tra cho thấy Chính quyền nước này quan ngại về an ninh quốc gia liên quan tới Huawei - công ty vốn đã bị Washington áp đặt nhiều hạn chế trong những năm gần đây.
Nếu Bộ Thương mại Mỹ xác định Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia, cơ quan này có thể cấm tất cả công ty Mỹ giao dịch với Huawei, yêu cầu các công ty viễn thông Mỹ đang sử dụng thiết bị của Huawei phải loại bỏ các thiết bị này, nếu không sẽ bị phạt.
Quan ngại về các cột phát sóng dùng thiết bị Huawei đặt gần các silo tên lửa
Giải thích lý do Mỹ quan ngại thiết bị của Huawei gây tổn hại tới an ninh quốc gia, ông Brendan Carr, một ủy viên thuộc Ủy ban viễn thông liên bang Mỹ (FCC), chỉ ra các cột phát sóng gần căn cứ lực lượng không quân Malmstrom tại bang Montana (một trong 3 căn cứ giám sát các trận địa tên lửa của Mỹ) có sử dụng công nghệ của Huawei.
Ngoài ra 2 nguồn tin khác của Reuters cho biết có ít nhất 2 trường hợp tại bang Nebraska và Wyoming, có cột phát sóng được lắp thiết bị của Huawei gần các căn cứ quân sự.
Theo ông Carr, những dữ liệu mà Huawei thu thập được có thể tiết lộ hoạt động di chuyển quân gần các căn cứ.
Trước đây, bà Crystal Rhoades, ủy viên cơ quan quản lý viễn thông tại bang Nebraska, từng lo ngại việc các cột phát sóng của công ty Viaero (sử dụng thiết bị của Huawei) đặt quá gần các silo ICBM ở phía tây bang này.
Công ty Viaero cung cấp dịch vụ băng thông rộng không dây và điện thoại di động cho 110.000 khách hàng trong khu vực. Năm 2018, công ty cho biết khoảng 80% thiết bị của công ty do Huawei sản xuất.
Trong bình luận hồi tháng 6, bà Rhoades cho biết các thiết bị này có thể cho phép Huawei thu thập thông tin nhạy cảm về các trận địa tên lửa.
Dù đã yêu cầu công ty cung cấp thông tin nhưng đến tháng 7, bà Rhoades cho biết chưa nhận được thông tin cập nhật về việc Viaero thay thế thiết bị của Huawei trong hơn 2 năm qua. Trong lần liên hệ mới nhất, Viaero tuyên bố chỉ thay thế thiết bị khi nhận được tiền tài trợ từ FCC.
Viaero từ chối phản hồi khi nhận được yêu cầu từ hãng tin Reuters.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận