Mỹ mở rộng trừng phạt Nga, châu Âu cũng bất bình

29/07/2017, 06:54

Viễn cảnh Mỹ thông qua dự luật tăng cường trừng phạt: Nga, Iran, Triều Tiên ngày càng chắc chắn khi các Thượng nghị sĩ...

26

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker

Viễn cảnh Mỹ thông qua dự luật tăng cường trừng phạt: Nga, Iran, Triều Tiên ngày càng chắc chắn khi các Thượng nghị sĩ Mỹ đã đạt được thỏa thuận đồng ý với dự luật này, kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ Nga và cả Liên minh châu Âu (EU).

Gần như chắc chắn Quốc hội thông qua

Ngày 27/7, theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Bob Corker thông báo: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận để đưa dự luật trừng phạt: Iran, Nga, Triều Tiên tới bàn của tổng thống”. Dự luật này có thể được bỏ phiếu tại Thượng viện trong tuần này. Nếu Thượng viện thông qua, dự luật trừng phạt sẽ được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để ký duyệt hoặc phủ quyết. Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Trump sẽ miễn cưỡng ký thông qua dự luật.

Trước đó, Hạ viện thông qua dự luật trên với kết quả áp đảo, 419 phiếu thuận và chỉ 3 phiếu chống. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đánh giá dự luật trừng phạt mới là “một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử” và sẽ “siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất” để đảm bảo cho nước Mỹ luôn được an toàn.

Theo thông báo từ Hạ viện Mỹ, các nghị sĩ quyết định tăng cường trừng phạt Nga vì cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như cáo buộc Nga can thiệp cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên và Iran vì liên quan tới các chương trình phát triển tên lửa và cáo buộc hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan.

Nga sẽ trả đũa ra sao?

Sau mỗi động thái, Chính phủ Nga và EU đều thể hiện phản ứng phản đối kịch liệt. Mới đây, khi Thượng viện Mỹ đạt được thỏa thuận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Đây quả thực là tin buồn nhìn từ quan hệ Nga - Mỹ”, là “hành động vô cùng thiếu thân thiện”.

Ông Peskov khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cân nhắc có trả đũa hay không và trả đũa ra sao khi các lệnh trừng phạt này được thông qua thành luật. Bên cạnh đó, cảnh báo động thái của Mỹ dìm quan hệ song phương vào thế khó chưa từng có, “giết chết” những hy vọng trong phát triển quan hệ tương lai.

Dù chưa hé mở động thái trừng phạt, nhưng trong tháng này, Bộ Ngoại giao Nga từng thông báo, có quá nhiều gián điệp Mỹ đang hoạt động tại Nga dưới vỏ bọc ngoại giao. Nga bỏ ngỏ khả năng sẽ trừng phạt một số “gián điệp này” để trả đũa việc Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao của Nga hồi năm ngoái dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Không ít chính trị gia tại Nga ngày càng tin rằng, các đối thủ trên chính trường Mỹ của Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đã khiến ông Trump không có nhiều “đất” để thực hiện kế hoạch của ông với Nga. Họ cũng khẳng định, Nga không có gì để mất nếu trả đũa Mỹ.

Châu Âu bỏ ngỏ khả năng kiện lên WTO

Tại Brussels, sau nhiều lần cảnh báo Mỹ về việc mở rộng lệnh trừng phạt với Nga, lần này Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mạnh mẽ tuyên bố, châu Âu sẵn sàng trả đũa “chỉ trong vài ngày” nếu cảm thấy các biện pháp trừng phạt mở rộng gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của khối liên minh này.

Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty nước ngoài đầu tư vào hoặc giúp đỡ Nga khai thác năng lượng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới ngành năng lượng châu Âu chỉ là những biện pháp lựa chọn chứ không bắt buộc. Đây được coi là kẽ hở mà Mỹ để lại nhằm nhượng bộ các nước đồng minh phương Tây.

Cùng ngày, Đức - quốc gia có nền kinh tế là đầu tàu của châu Âu cũng lên tiếng vì lệnh trừng phạt. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho biết, các lệnh trừng phạt Nga có thể gây tổn hại tới các công ty Đức, tạo thêm khó khăn trong quan hệ giữa Berlin và Washington. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD, ông Zypries nói thêm: Vì Mỹ không hợp tác với châu Âu về vấn đề này nên các công ty Đức đứng trước rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Reuters, EU đã chuẩn bị kế hoạch tái đảm bảo Nhà Trắng sẽ không sử dụng luật trừng phạt này nhằm vào lợi ích của EU. Khối EU cũng sẽ sử dụng một quy định của khối cho phép họ bảo vệ các công ty trong khu vực trước những biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ mà Mỹ đưa ra.

Nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, Brussels sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại toàn cầu (WTO). Phần lớn các động thái từ Brussels đều cần “cái gật đầu” của 28 nước thành viên, trong khi mỗi nước lại có những khác biệt trong quan hệ ngoại giao với Moscow và Washington.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.